Ông Hoàng Nhân Chính: Để du lịch Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cần sớm tháo gỡ ba "nút thắt" về cơ sở hạ tầng; việc cấp thị thực xuất nhập cảnh (Visa) và công tác quảng bá |
Ông Hoàng Nhân Chính - Tổng Thư ký Nhóm công tác du lịch (VPSF), người có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành du lịch - cho rằng, thời gian qua, từ thực tiễn của ngành du lịch Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã và đang đánh giá đúng và trúng những lợi thế và hạn chế, cụ thể là cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch còn nhiều hạn chế; việc cấp thị thực xuất nhập cảnh (Visa) còn những quan ngại nhất định và công tác quảng bá du lịch còn chưa "đến tầm".
"Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là nhiệm vụ khó khăn khi ngành du lịch Việt Nam vẫn còn 3 "nút thắt" lớn nói trên" - ông Chính thẳng thắn.
Chi tiết hơn trong công tác quy hoạch và lựa chọn các điểm đến trọng điểm trong đầu tư phát triển, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - cho rằng, chúng ta cần xây dựng quy hoạch phát triển du lịch theo hướng, ngoài quy hoạch tổng thể, cần chọn lựa các nhóm tour, tuyến, điểm du lịch trọng điểm cũng như đối tượng khách hàng cụ thể.
"Ví dụ các điểm đến như Phú Quốc, Côn Đảo… cần quy hoạch để có chiến lược đầu tư căn cơ với đường bay, cơ sở hạ tầng lưu trú, các dịch vụ gia tăng và sản phẩm du lịch trọng điểm" - Ông Kỳ nói và lấy ví dụ, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc thì, nếu năm nay họ chọn đầu tư cho đảo Jeju với đối tượng du khách cụ thể từ Nhật, Việt Nam,... thì năm sau họ chọn đầu tư trọng điểm cho Pusan với các đối tượng du khách đến từ khu vực khác.
"Việt Nam có thể dồn nguồn lực đầu tư cho Phú Yên chẳng hạn, và sang năm lại chọn một trọng điểm khác cho thị trường còn lại" - ông Kỳ đề nghị.
Với "nút thắt" về Visa, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh - nêu ý kiến cần chú trọng thêm tính thân thiện của môi trường trong nội dung phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
“Môi trường du lịch thân thiện và an toàn là cần thiết, bởi lẽ, nếu chỉ tập trung cho đầu tư và quảng bá mà thiếu chú trọng cho việc tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến và môi trường du lịch không thân thiện thì du khách chỉ đến một lần và không muốn quan trở lại” - ông Kiên quả quyết và dẫn số liệu của VPSF cho thấy, Thái Lan miễn visa cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ; Malaysia miễn visa cho công dân 155 nước và vùng lãnh thổ; Singapore miễn visa cho công dân 158 nước và vùng lãnh thổ; Indonesia miễn thị thực cho công dân 169 nước và vùng lãnh thổ... trong khi đó, Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 22 nước.
Không chỉ hạn chế về số lượng các nước được miễn thị thực, thủ tục cấp visa của Việt Nam cũng chưa thuận lợi.
"Việc cấp visa điện tử đã được thực hiện từ đầu năm nay trên website của cơ quan quản lý xuất nhập khẩu. Để thuận tiện cho khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp du lịch đã kiến nghị đổi tên website thành evisa.vn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được” - ông Hoàng Nhân Chính bổ sung.
Về việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, ông Trần Trọng Kiên chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp mình. Tuần trước, Công ty Thiên Minh ký hợp đồng liên doanh du lịch với đối tác lớn trên thế giới. Đối tác này cho rằng tiềm năng du lịch của Việt Nam rất tốt nhưng khai thác rất khiêm tốn và nhiều du khách chưa biết đến tiềm năng du lịch của Việt Nam.
Còn ông Hoàng Nhân Chính thì chỉ rõ, chiến lược phát triển du lịch của chúng ta đã xác định lực chọn các thị trường tập trung để thu hút khách quốc tế có chi trả cao khi tới Việt Nam là thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Úc – New Zealand. Do vậy, khâu quảng bá, các chính sách visa, thị thực cũng sẽ phải theo mục tiêu này.
“Trong thời điểm hiện nay, theo tôi, nên chú trọng quảng bá du lịch Việt Nam với thị trường quốc tế và ưu tiên thu hút khách quốc tế. Bởi vì, phần lớn khách quốc tế có khả năng chi trả cao và mang lại nguồn thu từ bên ngoài” - Ông Kiến kiến nghị.
Ngoài ba "nút thắt" nói trên, theo Nhóm công tác về du lịch của VPSF, trong cuộc đối thoại tới đây, Nhóm cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ Tướng chính phủ, các bộ, ngành sớm có những thay đổi để tháo gỡ những khó khăn nội tại khác của ngành du lịch Việt Nam, như: Quy mô doanh nghiệp còn manh mún; các chính sách ưu đãi về thuế; tài chính, vốn; chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch...