Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số
Hội thảo “Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số” là chương trình nằm trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế chuyên ngànhThực phẩm, đồ uống - Vietfood & Beverage – Propack 2022 diễn ra từ ngày 9-12/11 tại Hà Nội. Hoạt động nhằm thúc đẩy tính minh bạch và an toàn của thị trường nông sản, thực phẩm tại Việt Nam.
Công nghệ số giúp Habimex kiểm soát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm |
Ứng dụng công nghệ số hóa giúp minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành một xu hướng trong những năm gần đây. Theo đó việc minh bạch thông tin sản phẩm hiện nay không còn là việc đọc thông tin, mà còn tăng tương tác hai chiều giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP…, nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không.
Công nghệ giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường thực phẩm |
Theo Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), thời gian gần đây, liên tục xuất hiện hành vi gian dối, biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ “đội lốt” nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng. Để thoát khỏi vòng xoáy của thực phẩm bẩn, các nhà sản xuất chân chính phải liên kết lại với nhau để chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn minh bạch.
TS. Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch AFT cho biết, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn hoặc thực phẩm hữu cơ hoặc thực phẩm đạt bất kỳ một tiêu chuẩn nào tương đương của Việt Nam hoặc của bất kỳ một nước nhập khẩu nào, cần phải có được các bằng chứng chứng minh quá trình sản xuất, chương trình quản lý chất lượng của doanh nghiệp mình là hợp qui và được áp dụng đúng trong thực tế.
TS. Trần Thị Dung phát biểu tại Hội thảo |
“Trước đây, để chứng minh điều này, cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp phải ghi chép và lưu trữ hàng tập hồ sơ giấy tờ dày cộp rất khó tìm kiếm khi có các yêu cầu kiểm tra, ngày nay nhờ các phần mềm kỹ thuật số, mọi chuyện đều có thể được ghi lại trên hệ thống phần mềm được truy xuất dễ dàng bằng máy tính, điện thoại, có thể được ghi lại và xem ở mọi nơi, mọi lúc khi có mạng internet. Công nghệ số đã giúp cho doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng, từ trang trại đến tay người tiêu dùng", TS Dung chia sẻ.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về xu thế thị trường thực phẩm trong và ngoài nước, các tiêu chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu và công cụ để đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cũng như ứng dụng công nghệ số để rút ngắn chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm và giúp cho các nhà sản xuất và phân phối thực phẩm đến với nhau nhanh hơn, minh bạch hơn, tin cậy nhau hơn ….
Green Life đưa công nghệ vào kiểm soát quá trình tiêu thụ, phân phối sản phẩm |
Thông qua chương trình Hội thảo, AFT khuyến khích các nhà sản xuất tăng cường minh bạch qui trình sản xuất, nhà thương mại chú trọng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, gia tăng niềm tin thị trường để góp phần tăng trưởng doanh thu và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng đúng với thông điệp mà AFT luôn hướng đến: Thực phẩm an toàn cần minh bạch.