Chủ nhật 29/12/2024 22:06

Kiểm soát ngăn chặn biến động giá gạo trong nước

Lực lượng quản lý thị trường khi kiểm tra ngoài phát hiện thu giữ gạo không rõ xuất xứ còn vận động hộ kinh doanh ký cam kết giữ ổn định giá gạo.

Kịp thời xử lý các hộ kinh doanh không chấp hành quy định

Hơn 1 tháng nay giá lúa gạo trong nước ở một số địa phương đã biến động theo hướng tăng so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Đơn cử tại Tiền Giang, theo Cục Quản lý thị trường tỉnh này, từ cuối tháng 7/2023 đến nay, giá gạo nội địa các loại trên địa bàn các huyện như Cái Bè, Cai Lậy… đã tăng mạnh hơn so với bình thường từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Qua theo dõi, nắm tình hình, nguyên nhân giá gạo tăng chủ yếu do doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu mua giá cao để xuất khẩu, nguồn cung gạo xuất khẩu hiện nay chưa cung ứng kịp thời.

Trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa tại các địa phương trong vùng đã tăng bình quân trên dưới 1.000 đồng so với thời điểm ngày 20/7/2023.

Mặc dù giá lúa gạo tăng song theo đánh giá của lực lượng quản lý thị trường, giá tăng chủ yếu với lúa gạo phục vụ xuất khẩu còn hoạt động mua bán gạo tại các chợ vẫn diễn ra bình thường.

Trên thực tế để giữ ổn định được thị trường trong nước cho tới nay Chính phủ, Bộ Công Thương và các địa phương đã kịp thời có những chỉ đạo sát với biến động thị trường để việc điều hành thị trường không xảy ra tình trạng giật cục.

Trong đó, Bộ Công Thương đã có những văn bản chỉ đạo sớm, kịp thời ngay sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, với nhấn mạnh về việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải làm sao vừa tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Gần đây nhất, vào ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện theo Chỉ thị 07, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường và vận động động các hộ kinh doanh gạo ký cam kết giữ giá ổn định.

Kiểm tra các hộ kinh doanh gạo

Chẳng hạn như tại Hậu Giang, lực lượng quản lý thị trường tỉnh này khi kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Phú tại ấp Phú Xuân A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành đã phát hiện hộ này bày bán, lưu trữ 15 bao gạo (loại 50kg/bao) có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và hàng hóa không có nhãn theo quy định.

Còn tại Tiền Giang, chỉ trong 2 ngày 15, 16/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra, phát hiện 04 cơ sở không niêm yết giá gạo. Đồng thời, vận động 20 cơ sở cam kết thực hiện đúng quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; không đầu cơ, găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý; không kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Quản lý thị trường Cà Mau vận động hộ kinh doanh gạo ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, bán đúng giá

Tương tự, tại Cà Mau, từ ngày 17/8 tới nay các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đã liên tục kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh gạo trên địa bàn. Trong thời gian này, các Đội Quản lý thị trường cũng tiến hành tuyên truyền ký cam kết đối với nhiều tổ chức, cá nhân không kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hoá không đảm bảo chất lượng, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo quy định, không đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý.

Chỉ đạo kịp thời, sát thực tế

Đánh giá cao sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ, ngành địa phương, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long)- cho biết: Hiện nay Chính phủ và các Bộ, ngành rất quan tâm đến việc xuất khẩu gạo cũng như bình ổn giá gạo trong nước.

Theo đó, ngay từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thường (non-basmati), Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều công văn, văn bản chỉ đạo để tránh tình trạng doanh nghiệp ồ ạt thu gom, gây biến động lớn trên thị trường. Đồng thời Chính phủ cũng có những công văn yêu cầu các Bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát biến động thị trường để việc điều hành thị trường không xảy ra tình trạng giật cục. Điều này đã được Chính phủ và các Bộ, ngành làm rất tốt.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã theo dõi sát biến động thị trường và thường xuyên có những văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời như yêu cầu các doanh nghiệp không mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý. Đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Đặc biệt, Bộ cũng có văn bản chỉ đạo Quản lý thị trường địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho… nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. “Đây là việc làm rất tốt giúp thị trường trong nước không xảy ra tình trạng găm hàng”- ông Thành đánh giá.

Bình tĩnh trước những tin đồn

Ông Nguyễn Văn Thành dự báo, Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Trong khi đó, nhu cầu thu mua, dự trữ lương thực của các quốc gia vẫn tiếp tục. Điều này sẽ khiến thị trường gạo toàn cầu tiếp tục có những biến động. Do đó, doanh nghiệp Việt nam cần bình tĩnh trong việc ký kết hợp đồng, tránh việc bán đổ, bán tháo và gây thiệt hại và ảnh hưởng tâm lý các doanh nghiệp khác khi có thông tin bất lợi.

Mai Ca - Hà Duyên
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu gạo