Trong hai ngày 18 và 19/7/2024, Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu đã diễn ra tại Italia nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế - thương mại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trong khu vực châu Âu và thế giới; cùng đó, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác kết nối, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất khẩu.
Hội nghị bao gồm 2 Phiên làm việc chính: Phiên làm việc giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ các nước châu Âu; Phiên làm việc chính thức. Trong phiên làm việc chính thức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì và có bài phát biểu tại Hội nghị.
Cũng trong phiên họp chính thức, sau báo cáo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ về hoạt động của Thương vụ trong thời gian qua, đã có 33 ý kiến phát biểu của các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các Thương vụ tại khu vực châu Âu trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan.
Tại thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ đã có tham luận liên quan đến tình hình EU và những tác động đến phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ phát biểu tham luận tại Phiên chính thức Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu |
Biến động ở châu Âu và những tác động đến Việt Nam
Theo ông Trần Ngọc Quân, vừa qua, EU và các nước thành viên đã tiến hành bầu cử, về cơ bản đảng cánh hữu đang chiếm được ưu thế tại các nghị viện và tại nhiều nước thành viên. Với sự vươn lên của đảng cánh hữu, dự báo tại châu Âu và các nước sẽ có nhiều hoạt động bảo vệ lợi ích quốc gia. Hệ lụy của động thái này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam ở một số điểm như:
Thời gian phê chuẩn Hiệp định EVIPA sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Mặc dù hiện tại đã có 19 nước thành viên phê chuẩn nhưng 6 nước lớn nhất EU vẫn chưa phê chuẩn và vẫn sử dụng IPA để làm trao đổi chính trị. Về cơ bản, các đảng cực hữu vốn không ủng hộ tự do thương mại và đầu tư sẽ kéo dài thời gian phê chuẩn IPA vì IPA sẽ thúc đẩy khả năng đầu tư từ EU sang Việt Nam.
Gắn kết các vấn đề như nhân quyền, môi trường, lao động với thương mại để hạn chế hiệu quả của EVFTA, cung như theo dõi rất chặt luồng thương mại từ Việt Nam. Việc xem xét rỡ bỏ IUU sẽ cần nhiều thời gian hơn với nhiều yêu cầu cụ thể hơn.
Về Ủy ban châu Âu, bà bà Ursula von der Leyen được các nước thành viên giới thiệu là Chủ tịch EC nhiệm kỳ 2 và đang đợi Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Như vậy dự kiến trọng tâm chính sách nhiệm kỳ cũ như kinh tế tuần hoàn, chính sách xanh sẽ không có nhiều thay đổi, mặc dù bà Ursula sẽ phải thay đổi một số vị trí trong Ủy ban châu Âu khi đàm phán với các đảng cánh hữu để được thông qua tại Nghị viện. Hiện tại các chính sách EU liên quan: Trách nhiệm của Tập đoàn, Thiết kế sinh học giảm rác thải, CBAM, EUDR, chuyển đổi năng lượng sẽ được tiếp tục thúc đẩy. Ngoài yếu tố tốt cho môi trường, yếu tố đằng sau chính là để bảo vệ các ngành công nghiệp của EU, yêu cầu các nước chậm phát triển hơn sản xuất ở mức độ ngang bằng với EU.
Về kinh tế, năm 2024 mặc dù tăng trưởng GDP trong ngắn hạn còn yếu nhưng sẽ được cải thiện dần nhờ kiểm soát được lạm phát, nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng thu nhập thực tế. Dự kiến GDP của EU sẽ tăng từ mức 0.6% năm 2023 lên 0,9% năm 2024 và 1,5% vào năm 2025, kéo theo triển vọng tăng trưởng trong thương mại của EU.
Hiện tại, các ngành công nghiệp của EU đang phản ứng rất mạnh với khả năng sản xuất dư thừa của Trung Quốc và đẩy mạnh xuất khẩu sang EU với mức giá EU không thể cạnh tranh. Trong quan hệ với EU, Trung Quốc đang không có động thái để cân bằng thương mại theo yêu cầu của EU, đã có phản ứng trả đũa nhẹ nhằm vào thịt lợn của EU và rượu cô nhắc Brandy. Dự báo chung, Trung Quốc sẽ phản ứng nhẹ nhàng hơn, tránh đẩy leo thang "chiến tranh thương mại" với EU vì nếu đẩy mạnh chiến tranh sẽ tạo điều kiện để EU áp dụng mạnh mẽ hơn các hạn chế với hàng Trung Quốc và Trung Quốc bỏ thị trường EU thì sẽ không còn thị trường tiêu thụ nào ngoài các nước chậm phát triển.
EU cũng đang quan ngại thương mại và kinh tế sẽ bị ảnh hưởng một phần nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống vì khả năng ông Trump sẽ tăng thuế nhập khẩu, giảm cơ hội phát triển của EU. Nếu ông Trump trở thành tổng thống tiếp theo và thực hiện cam kết tranh cử cũng như đường lối trước đây, EU cũng lo ngại bị chia rẽ trong vấn đề chiến tranh Nga – Ucraina, vấn đề Nato....
Khuyến nghị chính sách với Việt Nam
Thứ nhất, hiện tại Hiệp định EVFTA đã bước vào năm thứ 5, với biểu B5 bằng không. Theo thông tin của EU thì 99% dòng thuế được tự do hóa. Và Hiệp định EVFTA được đánh giá là một trong những hỗ trợ tốt cho thương mại Việt Nam – EU. Rất nhiều nước ASEAN đang nỗ lực có được một hiệp định như Việt Nam. Do vậy, việc bảo vệ quyền lợi từ EVFTA là hết sức cần thiết. Việc bảo vệ này bắt nguồn từ việc đảm bảo hàng hóa Việt Nam được sản xuất và xuất khẩu một cách bài bản, tuân thủ tốt các quy định của EU nhất là về chất lượng, an toàn sản phẩm.
Thứ hai, một số ngành hàng của Việt Nam bị mở rộng điều tra hoặc áp thuế từ các vụ thuế EU áp dụng với Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng lợi ích trực tiếp từ EVFTA. Do vậy, cần đảm bảo ở hai khía cạnh, không có hàng từ nước thứ 3 trá hình vào Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA hoặc vào Việt Nam tránh thuế tự vệ, phá giá rồi xuất đi EU. Để làm được điều này, thường xuyên kiểm tra luồng thương mại giữa Việt Nam – EU, hoặc với một nước thứ ba. “Thời gian vừa qua, Thương vụ đã làm việc rất tốt với đơn vị Thực thi thương mại của EU trong vụ mở rộng điều tra thép cán nguội, EU rất hợp tác, đồng ý gặp Thương vụ sau khi hết hạn hợp tác và ghi nhận rất nhiều ý kiến của Thương vụ – ông Trần Ngọc Quân ví dụ.
Theo EU, Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 trong thương mại hàng hóa và là đối tác lớn nhất ở ASEAN. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào EU là giày dép, dệt may, hàng nông sản, hàng điện tử tiêu dùng và nhập khẩu khẩu chủ yếu hóa mỹ phẩm, dược, phương tiện vận tải là hàng có kỹ thuật cao. Với cơ cấu thương mại đã được định hình tương đối vững do cơ cấu kinh tế, và tránh xung đột thương mại, Việt Nam cần tăng cường khả tiếp cận bền vững, vững chắc với hệ thống phân phối, chuỗi dệt may, da giày, siêu thị, thông qua kế hoạch thực thi tốt các quy định về Kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh học, CBAM, EUDR, nhất là thiết kế sinh thái, xử lý rác thải điện tử, thời trang, thực phẩm cũng như tăng cường hiện diện thương mại của các công ty cung ứng của Việt Nam tại Bỉ, tăng tiếp cận của Thương vụ và các nhà nhập khẩu với từng siêu thị, cửa hàng.
Bên cạnh đó, với định hướng của EU, một số lĩnh vực mới xuất hiện có thể tận dụng như các thiết bị chuyển đổi năng lượng, tái chế rác thải, nhựa sinh học, năng lượng mới hydrogen theo hướng hợp tác sản xuất, kinh doanh hai bên cùng có lợi.