Thứ bảy 23/11/2024 06:03

Khủng hoảng bản sắc: Khi du lịch Việt Nam trở thành bản sao lai căng

Nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam đang chìm trong "cơn lốc" văn hóa lai căng, vay mượn các nét văn hóa ngoại lai, đánh mất đi bản sắc độc đáo.

Khi "của người" trở thành "của ta"

Trong những năm gần đây, du khách đến các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam có thể dễ dàng bắt gặp một bức tranh hỗn độn về văn hóa và kiến trúc. Tại Sa Pa, bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống của người H'mong và Dao là những khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp mang phong cách châu Âu.

Đà Lạt, các biệt thự cổ kính đang dần được thay thế bởi những công trình hiện đại không mang bất kỳ dấu ấn địa phương nào. Nhiều địa phương khác cũng không thoát khỏi sự xâm lấn của các yếu tố văn hóa ngoại lai...

Tượng nữ thần tự do phiên bản "hoạt hình" từng khiến du khách xôn xao ở Sa Pa

Hiện tượng này không chỉ giới hạn trong kiến trúc. Các lễ hội truyền thống tại địa phương đang dần có dấu hiệu bị pha trộn với những sự kiện vay mượn từ văn hóa phương Tây như Halloween hay lễ hội bia. Ẩm thực địa phương, vốn là một trong những điểm hấp dẫn chính của du lịch Việt Nam, cũng đang bị "pha loãng" bởi sự du nhập ồ ạt của các món ăn ngoại quốc.

Tại nhiều khu du lịch, thực đơn của các nhà hàng địa phương giờ đây được điểm xuyết bởi sushi, pizza hay hamburger, trong khi các món ăn truyền thống dần bị đẩy lùi vào góc khuất.

Xu hướng vay mượn và sao chép các mô hình du lịch nước ngoài đang diễn ra tràn lan, tạo ra một loạt các điểm đến "nhái" thiếu bản sắc. Điều đáng nói là những "bản nhái" này thường thiếu đi sự tinh tế và ý nghĩa văn hóa sâu sắc vốn có trong nguyên bản.

Không chỉ dừng lại ở việc sao chép các mô hình du lịch, nhiều điểm đến còn cố gắng tạo ra những trải nghiệm "giả" mang màu sắc nước ngoài. Chúng ta có thể thấy các "lễ hội hoa anh đào" được tổ chức rầm rộ tại nhiều tỉnh thành, dù hoa anh đào không phải là loài hoa bản địa của Việt Nam.

Hay như việc xây dựng các khu phố đèn lồng kiểu Trung Quốc, khu phố Tây giả cổ, thậm chí là những "làng Nhật Bản", "phố Hàn Quốc" ngay trên đất Việt. Tất cả những điều này đang tạo ra một bản sắc văn hóa lai tạp, không thuần Việt mà cũng chẳng đúng với văn hóa gốc.

Còn lại gì cho thế hệ sau?

Áp dụng bừa bãi văn hóa ngoại lai đang đe dọa nghiêm trọng tới di sản văn hóa mà chúng ta có thể để lại cho thế hệ tương lai. Thay vì được thừa hưởng một nền văn hóa đích thực, con cháu chúng ta có nguy cơ lớn sẽ lớn lên trong một môi trường văn hóa hỗn tạp, nơi ranh giới giữa "của ta" và "của người" trở nên mờ nhạt.

Các giá trị văn hóa truyền thống bị thay thế bởi những yếu tố ngoại lai, những di sản quý giá mà cha ông đã gìn giữ qua hàng nghìn năm lịch sử đứng trước nguy cơ sống còn. Những công trình kiến trúc truyền thống, lễ hội cổ truyền, và phong tục tập quán đặc trưng dần bị chèn ép bởi các sản phẩm văn hóa lai căng. Di sản văn hóa phi vật thể như câu chuyện cổ tích, làn điệu dân ca, nghề thủ công truyền thống đang bị lãng quên trước sự xâm lấn của các sản phẩm văn hóa đại chúng toàn cầu.

Giới trẻ hóa trang trong Lễ hội Halloween. Ảnh minh họa

Không có điểm tựa văn hóa vững chắc cho các thế hệ sau, liệu nỗi lo mất gốc có phải sắp trở thành hiện thực khi các thế hệ kế tiếp có nguy cơ phải lớn lên trong một môi trường mà bản sắc văn hóa dân tộc bị pha trộn và biến dạng đến mức khó nhận ra?

Cũng cần phải nói rằng vấn nạn này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam. Thay vì xây dựng một hình ảnh du lịch độc đáo dựa trên nền tảng văn hóa bản địa, chúng ta đang tạo ra một sản phẩm du lịch nhạt nhòa, thiếu bản sắc và dễ dàng bị thay thế bởi các sắc màu khác nhau trên thế giới.

Khung cảnh văn hoá tạp nham làm mất đi sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Những du khách đến Việt Nam với mong muốn trải nghiệm một nền văn hóa độc đáo và bản địa đang phải đối mặt với hiện thực không mong muốn khi khung cảnh Việt Nam chứa đầy các mảng văn hoá cóp nhặt.

Có thể nói rằng, chúng ta có nguy cơ để lại cho thế hệ sau một di sản văn hóa méo mó, một bản sắc dân tộc bị xói mòn nghiêm trọng và một hình ảnh Việt Nam nhạt nhoà trong mắt bạn bè thế giới.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu trong tương lai, khi được hỏi về bản sắc văn hóa Việt Nam, thế hệ trẻ có còn có thể tự tin trả lời, hay chỉ còn biết chỉ vào những sản phẩm lai căng, vay mượn từ khắp nơi trên thế giới?

Bảo Sơn
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch Sa Pa

Tin cùng chuyên mục

Cà Mau: Khánh thành công trình xây dựng Cụm Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954

Hội thảo '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'

Sắp diễn ra triển lãm tranh 'Tôi vẽ Hà Nội' và sự thăng hoa ngành công nghiệp văn hóa đương đại

Họa sĩ Quỳnh Thơm: Kết nối giá trị văn hóa truyền thống giữa dòng chảy đương đại

Sắp diễn ra Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024

Hà Nội nên có thêm Phố “Hàng Phở” hoặc Phố “Phở Gánh”

Phú Thọ: Tu bổ di tích Đình Hội

Phát huy nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Ra mắt cuốn sách ‘Logistics - Hành trình khát vọng’

Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Tối nay (7/11): Khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Quảng Nam: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trác

Mãn nhãn với những tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai, Gia Lai

Gia Lai: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Ngày hội Văn hóa - Du lịch TP. Pleiku năm 2024

Anh trai vượt ngàn chông gai: Góp phần định vị điểm đến âm nhạc Việt Nam

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch điều động, bổ nhiệm loạt cán bộ

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm NSND Xuân Bắc làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Festival Ninh Bình ‘Dòng chảy di sản’: Tái hiện những mốc son lịch sử của dân tộc

Lễ cúng trăng: Nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer

Vì sao tỉnh Bắc Ninh bị 'tuýt còi' tổ chức hoạt động hầu đồng không đúng quy định?