Không có chuyện vải Thanh Hà ế, nông dân phải đổ bỏ
Đây là khẳng định của đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Hà với phóng viên TTXVN chiều 1/6.
Một điểm thu mua vải sớm Thanh Hà |
Ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính (huyện Thanh Hà) cho biết, đến thời điểm này, Thanh Bính đã thu hoạch được khoảng 70% sản lượng vải. Năm nay, ước tính sản lượng vải Thanh Bính đạt khoảng 3.000 tấn. Trà vải sớm nhất có giá từ 50.000 - 55.000 đồng/kg và hiện tại, vải đẹp có giá khoảng 15.000 đến 16.000 đồng/kg. Năm nay, mẫu mã vải đẹp hơn hẳn mọi năm. Mặc dù giá vải không cao như năm ngoái vì năm ngoái vải mất mùa, nhưng với giá bán từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg là người trồng vải đã phấn khởi và có thu nhập cao. Còn loại vải đang được thu mua từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg thì mẫu mã kém hơn, không đều quả, tuy nhiên, loại này chiếm không đáng kể.
Vừa qua, một số trang facebook cá nhân đăng tải và lan truyền thông tin giá vải quá rẻ, nông dân đổ bỏ. Thông tin này khiến người trồng vải vùng Thanh Hà rất bức xúc và cho rằng tại vùng vải Thanh Hà không có chuyện đó, việc tung tin như trên gây bất lợi cho việc tiêu thụ vải của người dân địa phương.
Anh Phạm Trung Nghĩa, người dân xã Trường Thành (huyện Thanh Hà) bức xúc nói, chính quyền địa phương và người dân đều đã và đang nỗ lực tiêu thụ vải. Những thông tin như thế đã tiếp tay cho các thương lái ép giá người trồng vải. Đề nghị phải xử lý nghiêm những đối tượng đăng tải các thông tin như vậy.
Hiện tại, việc tiêu thụ vải ở huyện Thanh Hà đang rất sôi động. Dọc các xã trên địa bàn huyện có khoảng 25 - 30 điểm thu gom vải vừa để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vừa thu mua đi tiêu thụ các thị trường trong cả nước. Việc thu mua của các thương lái thuận lợi, chính quyền địa phương cũng vào cuộc giám sát việc mua bán để giảm thiểu việc người nông dân bị gian lận khi đi bán vải.
Ông Phạm Khắc Dũng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Hà thông tin, ngay đầu tháng 4/2018, UBND huyện đã có thông báo, yêu cầu các xã ven đường quy hoạch, bố trí các điểm đỗ xe tải, xe container về mua vải ở địa phương, bố trí các điểm cân mua hợp lý, hạn chế thấp nhất việc ách tắc giao thông vào cao điểm thu hoạch. Ban An toàn giao thông huyện cử lực lượng tuần tra đầu tuyến đến cuối tuyến đường trục chính qua huyện để kịp thời phát hiện, xử lý những tình huống ách tắc có thể xẩy ra trong quá trình thu mua.
Cùng với đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Hà đã thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra, đặt cân đối chứng tại tất cả các điểm thu gom nhằm giám sát, kịp thời phát hiện việc cân điêu của các thương lái nếu có. Chính quyền các xã đều cử cán bộ chuyên môn trực tiếp giám sát các điểm cân mua, báo cáo về Phòng khi phát hiện có tình trạng gian lận ở các điểm này.
Niên vụ 2018, nhờ Hải Dương sớm chủ động xúc tiến thương mại cho quả vải, đến nay, có nhiều tín hiệu tích cực trong việc kết nối tiêu thụ. Theo ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, theo thống kê chưa đầy đủ, Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt đã cam kết thu mua 2.000 tấn vải, Công ty cổ phần xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) đã cam kết mua 10.000 tấn, Công ty xuất nhập khẩu nông sản Thanh Hà ước tính vụ vải năm 2018 sẽ tiêu thu khoảng 200 tấn… Hiện nay, vải sớm đã xuất khẩu đi Trung Quốc, Malaysia, Australia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Có nhiều thương lái Trung Quốc trực tiếp di thu mua vải tại Thanh Hà cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng quả vải Việt Nam.
“Với những nỗ lực đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, Hải Dương kỳ vọng sẽ xuất khẩu đạt khoảng 24.000 tấn, chiếm khoảng 40% sản lượng toàn vụ”, ông Hải cho biết. Địa phương cũng đã chủ động kết nối với nhiều siêu thị như: Sài Gòn Coop Mart, BigC, Hapro để tiêu thụ vải trong vụ này lên tới hàng nghìn tấn.