So với bản dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 với 9 chương và 121 điều, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) lấy ý kiến lần này đã được cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chỉnh lý, bổ sung với 10 chương và 123 điều. Các nội dung được chỉnh lý sau đó đã được báo cáo UB Thường vụ QH tại phiên họp thứ 22 và được UB Thường vụ QH đồng ý gửi Đoàn ĐBQH xin ý kiến về dự án Luật.
“Quá trình tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cũng đã được thực hiện hết sức bài bản và công phu. UB Kinh tế, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan đã nghiêm túc nghiên cứu 110 lượt ý kiến ĐBQH thảo luận tại Tổ và 24 ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của đại diện Thường trực một số UB của QH, Đoàn ĐBQH một số tỉnh, thành miền Trung và miền Nam, đại diện một số cơ quan hữu quan, hiệp hội, doanh nghiệp và một số chuyên gia, luật trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh. Kết quả, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã có bước tiến dài về cả mặt nội dung lẫn kỹ thuật văn bản”, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết.
Cơ quan cạnh tranh theo hình thức bán tư pháp
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề được các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tính độc lập cũng như thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh (UBCT) Quốc gia, bởi theo Dự án Luật, UB này trực thuộc Bộ Công Thương. Các ý kiến cho rằng sẽ khó có tính độc lập, chưa kể ủy ban vừa quản lý về cạnh tranh lại vừa tiến hành tố tụng cạnh tranh là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc cũng như tính thực chất của ủy ban này.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Quan điểm của Bộ Công Thương trong vấn đề này là rất rõ ràng. Bộ mong muốn có một cơ quan cạnh tranh chuyên biệt độc lập hoàn toàn. Tuy nhiên, đề xuất này không phù hợp với việc tinh giảm bộ máy Nhà nước hiện nay nên kết quả cuối cùng như trong dự thảo. Theo đó, sẽ có một CQCT là UBCT Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương (trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay) là cơ quan bán tư pháp, vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tran vừa có trách nhiệm là cơ quan quản lý cạnh tranh Nhà nước, vừa xét xử các vụ việc hạn chế cạnh tranh.
“Thiết kế của UBCT sẽ hoàn toàn đảm bảo cho cơ quan này thực hiện cùng lúc 2 chức năng. Đặc biệt, đảm bảo sự sự độc lập cho việc xét xử, UBCT sẽ có 15 ủy viên. Các ủy viên này là do Thủ tướng chính phủ bổ nhiệm. Trong việc xét xử, 15 ủy viên sẽ hoàn toàn tuân theo các quy định pháp luật chung của Nhà nước” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng mô hình Cơ quan cạnh tranh tại Mỹ, ông Michael Greene – Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam cho hay, mô hình tại Mỹ cũng chỉ gồm 5 cá nhân được bổ nhiệm bởi Tổng thống và thông qua bởi nghị viện với nhiệm kỳ 7 năm, không trùng nhiệm kỳ Tổng thống và các thành viên có nhiệm kỳ khác nhau. Cơ quan cạnh tranh không bị phụ thuộc theo bất cứ ai hay đơn vị nào.
Xử lý những vụ việc có tác động đến thị trường Việt Nam kể cả ngoài lãnh thổ
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, tại nhiều nước trên thế giới, các cơ quan cạnh tranh của các nước được tiến hành điều tra xử lý nhiều vụ việc hạn chế cạnh tranh xuyên biên giới. Tại dự thảo Luật lần này quy định 2 trường hợp các cơ quan cạnh tranh được tiến hành điều tra xử lý đối với phạm vi ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đó là, các doanh nghiệp nước ngoài có cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài có nhận diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam.
“Trong cả 2 trường hợp đều có thực thể tại Việt Nam, cơ quan chức năng đều có thể tiếp cận yêu cầu cung cấp thông tin. Trong trường hợp không có hiện diện tại Việt Nam thì khi có hoạt động qua biên giới thì vẫn phải có đối tượng để Việt Nam yêu cầu giải trình điều tra thông qua các Hiệp định thương mại song phương đa phương với các nước và các thỏa thuận Hợp tác giữa các cơ quan điều tra. Vì thế, chúng ta có thể yêu cầu các đối tượng liên quan đến cạnh tranh dù ngoài quốc gia phải cung cấp thông tin” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng giải thích thêm về việc xem xét xử lý các vụ việc cạnh tranh trong Luật sửa đổi sẽ có cách làm hoàn toàn mới: dựa trên việc đánh giá tác động cạnh tranh tới thị trường trong nước chứ không chỉ trên tỷ lệ thị phần. Cụ thể, cùng với yếu tố thị phần phải xem xét tác động đến môi trường cạnh tranh trong nước. Nếu có tác động tích cực thì UBCT không cản trở, hoặc tác động tích cực lớn hơn tiêu cực UBCT cũng sẽ đồng ý. Điều này thể hiện việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cơ quan cạnh tranh – được quyền đánh giá và chịu trách nhiệm về sự đánh gía của mình đối với các vụ việc cạnh tranh.
Hiện tại, USAID còn có ý kiến về việc xây dựng luật áp dụng chung Luật, tránh tình trạng Luật pháp các nước mâu thuẫn với nhau. Đây cũng là mục tiêu của một trong các mục tiêu của các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới là tìm cách hài hòa phối hợp giữa các cơ quan cạnh tranh với nhau, đảm bảo khi thực thi các luật cạnh tranh thì không cản trở thị trường kinh doanh của nhau. Các Hiệp định đều có cam kết sự phối hợp giữa các cơ quan cạnh tranh các nước.
Cơ quan cạnh tranh cũng có thể bị kiện
Tại hội thảo, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại việc quy định doanh nghiệp phải nộp hồ sơ thông báo cho UBCT Quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế là hình thức giấy phép con trá hình, gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Trả lời thẳng thắn về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh “Việc cơ quan cạnh tranh lạm dụng quyền hạn, đặt ra giấy phép con tuyệt đối không thể xảy ra. Bởi mọi quyết định của cơ quan cạnh tranh đều có thể bị kiện ra Tòa. Điều này cũng đã được quy định rõ trong Dự thảo Luật Cạnh tranh”.
Chình vì thế, "vẫn còn nhiều tiêu chí về tập trung kinh tế cần được cụ thể hóa hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp thu và chỉnh lý cho tới kỳ họp tiếp theo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiến hành tập trung kinh tế" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu.
Kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên khẳng định ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện doanh nghiệp và chuyên gia. “Đây là hội thảo rất quan trọng, cùng với ý kiến đóng góp của 63 ĐBQH, những ý kiến trong hội thảo sẽ được cơ quan thẩm tra Dự án Luật Cạnh tranh - UB Kinh tế tiếp thu để trình ra QH vào tháng 5 tới”, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nói. |