Những đổi thay của miền đất hạ nguồn sông Mekong
Gần 2 thập kỷ qua, sự phát triển của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long được dẫn dắt bởi Nghị quyết 21-NQ/TW, Kết luận 28-KL/TW và các Nghị quyết khác có liên quan.
Sau 18 năm thực hiện, Nghị quyết 21 đã đi vào cuộc sống với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã được triển khai, nhiều chỉ tiêu được hoàn thành, một số chỉ tiêu cao hơn trung bình toàn quốc. Tiềm năng, lợi thế được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Một số ngành, lĩnh vực có sự phát triển nhanh. Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra, trái cây; trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước.
Kinh tế vùng tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện. Nông nghiệp phát triển nhanh. Nhiều công trình công nghiệp trọng điểm đã được triển khai và đi vào hoạt động. Dịch vụ phát triển khá; du lịch được cải thiện. Chương trình Nông thôn mới đạt kết quả tích cực...
Thu ngân sách được cải thiện, tăng dần khả năng tự cân đối của các địa phương. Thu hút nguồn lực đầu tư chuyển biến tích cực. Năng lực cạnh tranh được cải thiện, nhiều tỉnh nằm trong nhóm đầu cả nước. Doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã phát triển cả về số lượng và quy mô. Năng suất lao động bình quân tăng nhanh.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đạt nhiều kết quả; chất lượng dần được nâng cao. Bảo vệ tài nguyên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng; khai thác tài nguyên dần hiệu quả. Khoa học - công nghệ phát triển trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, công nghệ chế biến.
Hạ tầng kinh tế- xã hội được quan tâm đầu tư nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, năng lượng. Phát triển đô thị gắn với bố trí lại dân cư được đầu tư, hoàn thiện. Liên kết vùng trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực; là vùng duy nhất áp dụng Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao; các chỉ tiêu y tế được cải thiện; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác tôn giáo, dân tộc được quan tâm. Công tác giảm nghèo và các chính sách an sinh, xã hội đạt nhiều kết quả.
Hoạt động đối ngoại ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao. Đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trăn trở trước những tồn tại…
Tuy nhiên, sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, phát triển kinh tế- xã hội vùng còn nhiều hạn chế; một số tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai thác hợp lý, hiệu quả nhất là trong bối cảnh mới trong nước, khu vực và quốc tế; đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn: Tăng trưởng kinh tế của Vùng có xu hướng chậm lại đáng kể, phụ thuộc vào nông nghiệp. Công nghiệp công nghệ cao phát triển chậm; tỷ trọng xuất khẩu giảm dần so với cả nước.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực cho phát triển vùng. Ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng bị chặt phá và tài nguyên đất đai đang bị suy thoái;
Phát triển hạ tầng giao thông vận tải chậm, liên kết giữa các phương thức vận tải chưa đồng bộ. Quy hoạch cảng biển của vùng còn bất cập, chưa có cảng biển quy mô lớn và cảng đầu mối; hạ tầng sau cảng biển chưa đầy đủ; các trung tâm logistic lớn chưa hình thành; các cảng hàng không chưa khai thác hết công suất. Hệ thống đô thị manh mún, thiếu liên kết;
Liên kết trong Vùng còn hình thức, bất cập cả trong thể chế và pháp luật; liên kết theo chuỗi còn hạn chế; nguồn lực và tiến độ triển khai liên kết các tiểu vùng còn bất cập. Vai trò trung tâm của Thành phố Cần Thơ với vùng còn mờ nhạt;
Phát triển văn hoá - xã hội còn nhiều bất cập; giáo dục và đào tạo ở một số nơi chưa đạt yêu cầu; một số chỉ số về chăm sóc sức khoẻ người dân còn thấp. Thu nhập bình quân đầu người tăng chậm; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững;
Nguyên nhân của những vấn đề nêu trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì phần nhiều là yếu tố chủ quan. Đó là nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng chưa cao; tư duy về liên kết và phát triển vùng còn bất cập nhất là cơ chế điều phối, quản lý và xử lý các vấn đề có tính vùng.
…Và tạo động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn mới
Tiềm năng Vùng đã được đánh thức sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 21, nhưng để khơi dây hơn nữa những lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước hội nhập sâu rộng, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực triển khai thực hiện phát triển các địa phương, các vùng và đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, thì rất cần những chủ trương, chính sách, những giải pháp căn cơ cho trước mắt và dài hạn cho tương lai.
Theo GS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam, cần thống nhất cao về nhận thức từ Trung ương đến địa phương về vai trò và tầm quan trọng của phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tư duy về liên kết vùng phải là chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển các địa phương theo một cơ chế điều phối và kết nối hiệu quả; chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung thông qua phát triển cụm ngành kinh tế, hành lang kinh tế, vận tải thủy và chuỗi đô thị.
Tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội của Vùng để định hướng phát triển giữa các địa phương. Hoàn thiện khung pháp lý về liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai.
Thực hiện hiệu quả cơ chế liên kết của Hội đồng điều phối Vùng giai đoạn 2020-2025. GS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, cần tạo vai trò “nhạc trưởng” của Hội đồng điều phối Vùng trong dẫn dắt hoạt động của toàn vùng, nhằm tạo ra sự cộng hưởng và lan toả tinh thần phát triển của các địa phương trong vùng. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất cần được khơi thông. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hầu hết các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều cho rằng, quy hoạch vùng phải đảm bảo phát triển toàn diện về kinh tế - văn hóa - xã hội - giáo dục - môi trường; xác định các định hướng lớn để phát triển và lĩnh vực để ưu tiên đầu tư; đề ra các chính sách phát triển các ngành kinh tế và hạ tầng kinh tế- xã hội phù hợp các tiểu vùng; thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị, các hành lang kinh tế, các khu kinh tế, các khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch và phát triển Vùng thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả cao dựa vào tái cấu trúc và hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với các cụm ngành kinh tế nông nghiệp và trung tâm chế biến lúa gạo, trái cây, thủy sản....
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng công tác kiểm định chất lượng giáo dục; đa dạng hình thức học tập trên nền tảng chuyển đổi số.
Tăng cường quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo các quy hoạch, đề án, kế hoạch.
Ngày 22/4/2022, tại Hà Nội, Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |