Khoai lang giúp cải thiện bệnh tiểu đường, nhưng ăn vào thời điểm nào tốt nhất?
Vì sao khoai lang tốt cho người bệnh tiểu đường?
Theo BS CKI Phan Thị Thùy Dung - Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh: Ngoài giá trị về chỉ số đường huyết thấp, trong 100g củ khoai tươi còn chứa 109 calo, 24,6% tinh bột, 4,17% glucose và nhiều chất khác như protein, chất béo, canxi, magiê, vitamin A, B, C, sắt… Do đó, khoai lang tốt cho sức khỏe nếu ăn mức độ phù hợp.
Vì sao khoai lang tốt cho người bệnh tiểu đường |
BS CKI Phan Thị Thùy Dung phân tích thêm, insulin là hormon đặc biệt được tuyến tụy sản sinh. Giới y học ví von insulin là chìa khóa thần kỳ, giúp các tế bào hấp thụ glucose trong máu và chuyển hóa thành năng lượng cho hoạt động hàng ngày. Bệnh tiểu đường xảy ra khi tuyến tụy không sản sinh đủ insulin cần thiết cho cơ thể hay tế bào sử dụng insulin có sẵn trong cơ thể không hiệu quả. Một khi lượng glucose máu không được hấp thụ sẽ dần tích tụ trong máu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm lên tim, thần kinh, mắt, thận…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các hoạt chất trong khoai lang có khả năng cải thiện insulin ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, lượng chất xơ dồi dào trong khoai lang cũng có tác dụng làm ổn định lượng đường trong máu giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Khoai lang còn là loại củ có chỉ số glycemic thấp hơn so với khoai tây. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và đem lại cảm giác no lâu. Chính vì thế, loại củ này hoàn toàn phù hợp khi xuất hiện trong chế độ ăn của người tiểu đường và người muốn giảm cân.
Ngoài tốt cho người tiểu đường thì ăn khoai lang còn có tác dụng ổn định huyết áp. Để có một hệ thống tim mạch khỏe mạnh, các chuyên gia khuyến khích mọi người nên ăn món ăn nhiều kali và tránh ăn những thực phẩm có nhiều muối. Trong khoai lang rất giàu kali, do đó những đối tượng bị huyết áp cao hoặc thấp nên lựa chọn ăn loại thực phẩm để ổn định huyết áp.
Đồng thời giảm nguy cơ ung thư, nhờ thành phần dinh dưỡng có nhiều trong khoai lang là beta-carotene. Sắc tố thực vật này có khả năng chống oxy mạnh giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Không những thế hoạt chất beta-carotene còn có thể ngăn cản sự phát triển của các gốc tự do, làm giảm sự tổn thương tế bào do gốc tự do gây ra.
2 thời điểm tốt nhất trong ngày để ăn khoai lang
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn khoai lang vào buổi trưa là tốt nhất trong ngày. Nguyên nhân, vì sau khi ăn, canxi trong khoai lang cần phải mất 4-5 giờ mới hấp thụ vào trong cơ thể. Trong khi đó, khung giờ 2-5 giờ lại có ánh nắng mặt trời tác động lớn đến quá trình hấp thụ canxi, cho nên việc ăn khoai lang vào tầm giờ trưa 10-12 giờ trưa là hoàn toàn phù hợp.
Ngoài ra cũng có thể ăn vào buổi sáng để bổ sung năng lượng cho ngày mới, giúp làm đẹp da và ngăn ngừa ung thư, tim mạch, đột quỵ…
Không nên ăn vào buổi tối dễ trào ngược axit, đặc biệt những người dạ dày yếu hoặc người già tiêu hóa kém, vì sẽ gây ra hiện tượng đầy bụng, cộng với việc ban đêm sự trao đổi chất thấp nên càng khó tiêu hóa dễ dẫn đến mất ngủ.
Không nên ăn khi đói: Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua.
Một số lưu ý khi ăn khoai lang: Khoai lang và quả hồng không nên ăn cùng với nhau, ít nhất nên cách nhau khoảng 5h trở lên.
Khoai lang là thực phẩm rất tốt với nhiều chất dinh dưỡng và tác dụng hữu ích của nó, tuy nhiên khoai lang ăn cả vỏ lại không tốt cho hệ tiêu hóa.
Cần loại bỏ sạch những vết nâu, đốm đen trên vỏ khoai lang, bởi khi ăn không chỉ gây mất hương vị mà còn nguy hiểm đến sức khỏe, có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Khoai lang và rau lang chứa nhiều canxi vì thế không nên ăn thường xuyên có thể gây sỏi thận.