Khó hiểu bồi thường, bức xúc kéo dài tại dự án cải tạo kênh A41
Tuy nhiên, những cuộc gặp đó vẫn không mang lại những kết quả tích cực. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cải tạo kênh A41 (gọi tắt là DA A41) và các hoạt động thương mại của ngành hàng không dân dụng, cũng như các doanh nghiệp trong khu vực.
Bồi thường kỳ quặc
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của DA A41 được nhiều hộ dân cho là "rất kỳ quặc". Kỳ quặc ở chỗ theo phản ánh, nhiều gia đình lấn chiếm, sử dụng hành lang bảo vệ kênh, thậm chí là lấn và sử dụng vào lòng kênh vẫn được chứng nhận để công nhận chủ quyền và đền bù 100%. Có gia đình được đền bù cả đường đi chung.
Căn nhà số 3 - Đồ Sơn lấn chiếm và sử dụng đất hành bảo vệ kênh, lấn chiếm vào lòng kênh được đền bù, hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng |
Trong khi đó, những hộ dân khác sử dụng hành lang kênh từ tháng 8/1993 trở về trước (có được sự đồng ý của đơn vị cấp đất), nhưng không được xác nhận để công nhận chủ quyền, hoặc không được xác nhận trong giấy chủ quyền nên không được đền bù, hỗ trợ một đồng nào. Thực tế, những hộ dân bị ảnh hưởng bởi DA A41 đều được Sư đoàn 370 Không quân và Bộ Tổng tham mưu cấp đất cùng thời điểm (từ năm 1989 - tháng 8/1993). Gia đình nào cũng tận dụng hành lang kênh để trồng trọt, chăn nuôi và làm phòng trọ. Từ đó đến nay chỉ là việc cập nhật biến động sử dụng theo nhu cầu của mỗi nhà mà thôi. Tình trạng này đang gây bức xúc lớn cho các hộ dân bị ảnh hưởng và dư luận. Họ đã khiếu nại lên UBND quận Tân Bình và các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh, nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Theo các hộ dân khu vực đường Đồ Sơn, phường 4, quận Tân Bình, căn nhà số 3 - Đồ Sơn được Sư đoàn Không quân 370 cấp năm 1999 với diện tích đất là 59,40m2. Hộ dân này đã lấn chiếm sử dụng toàn bộ diện tích đất của hành lang bảo vệ kênh sát với nhà mình, đồng thời lấn ra lòng kênh gần 2m. Khi xin các thủ tục cấp giấy chủ quyền đất, họ vẫn được UBND phường 4 và các cơ quan chức năng của quận Tân Bình chứng thực phần diện tích lấn chiếm và được UBND TP. Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất sử dụng với diện tích khuôn viên đất được công nhận là 173,90m2?. Khi quận Tân Bình thực hiện DA A41 thì nhà số 3 - Đồ Sơn được đền bù hơn 12 tỷ đồng. Việc công nhận chủ quyền đối với diện tích lấn chiếm hành lang kênh và lòng kênh của nhà số 3 - Đồ Sơn đã rất sai quy định rồi, nhưng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Tân Bình lại căn cứ vào giấy chủ quyền đã cấp sai ấy để bồi thường, chẳng khác nào sai chồng lên sai. Tương tự, một số căn hộ như: 108/2B, 124/3, 124/5, 124/6, 126/A4 đều trên đường Cộng Hòa... cũng lấn chiếm đất hành lang bảo vệ kênh A41, nhưng vẫn được cấp chủ quyền để đền bù từ 8 tỷ đến hơn 14 tỷ đồng.
Căn nhà số 28/7 - Ba Vì của ông Dương Thanh Bình và bà Hồ Thị Cúc ở ổn định từ năm 1990 đến nay. Nó có diện tích 33,20m² thuộc khuôn viên đất hành lang bảo vệ kênh nhưng không được bồi thường, hỗ trợ. Ông Bình nói: “Phần diện tích khuôn viên đo đạc thực tế nhà tôi là 162,50m². Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 11, Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND, ngày 9/8/2018 của UBND TP. Hồ Chí Minh, thì đất có sử dụng trước ngày 15/10/1993 được hỗ trợ bằng 40% đơn giá đất ở để tính bồi thường với diện tích hỗ trợ là diện tích đất ở thực tế sử dụng. Tuy nhiên, theo Phương án số 46/PA-HĐBT của Hội đồng bồi thường quận Tân Bình thì diện tích đất 33,20m² không được bồi thường, hỗ trợ”.
Lý giải cho vấn đề này, lãnh đạo quận Tân Bình và các cơ quan chức năng nói rằng, diện tích ấy không được thể hiện trong giấy chủ quyền. Nếu chỉ căn cứ vào những giấy tờ trước đây, mà không xét đến hoàn cảnh thực tế thì chính quyền và các cơ quan chức năng của quận Tân Bình chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ, chưa giải quyết “thấu tình, đạt lý”. Căn hộ số 5/3 - do bà Nguyễn Thị Kim Phượng đồng sở hữa bị thu hồi 119,30m2. Đây là gia đình liệt sĩ, đã sử dụng diện tích hành lang bảo vệ kênh A41 liền thổ từ tháng 8/1993, không có tranh chấp và được sự đồng ý, sau đó có chứng nhận của Sư đoàn 370 Không quân. Tuy nhiên, khi kê khai nhà đất năm 1999 và làm các thủ tục xin cấp giấy chủ quyền đất, các cơ quan chức năng của phường 4 cũng như quận Tân Bình không hướng dẫn và xác nhận cho phần diện tích đang sử dụng hành lang bảo vệ kênh, nên không được công nhận chủ quyền và không được thể hiện trong giấy chủ quyền. Vì vậy, họ không được đền bù, hỗ trợ 75,5m2 hành lang kênh theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND.
Phải có trách nhiệm khi lập dự án, không thể đổ lỗi cho...Thành phố!
Trao đổi với chúng tôi, tất cả các hộ dân có ý kiến và đơn thư khiếu nại đang sinh sống dọc kênh A41 đều cho rằng: UBND quận Tân Bình và các cơ quan chức năng chưa cầu thị, mà né tránh và đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết vụ việc lòng vòng, gây rất nhiều phiền toái, vất vả cho người dân.
Người dân vẫn rất bức xúc vì những bất cập của Dự án cải tạo kênh A41 |
Hiện nay, đa số các hộ dân sống cạnh kênh A41 đều khẳng định DA A41 đã “nắn chỉnh” tim kênh “né doanh nghiệp, uốn cong sang nhà dân”, gây thiệt hại lớn cho dân. Đây là tạo ra một kênh mới, chứ không phải là “cải tạo” theo chỉ đạo của HĐND và UBND TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể là đoạn kênh ở khu vực các nhà: 2/19 - Đồ Sơn, 22 - Ba Vì, 124/1 - Cộng Hòa và 130 - Cộng Hòa... đều bị nắn chỉnh. Đoạn kênh tại số nhà 2/19 - Đồ Sơn bị nắn chỉnh tim kênh là 2,3m về phía căn nhà này.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Tổ trưởng của Ban DA A41 của quận Tân Bình đã xuống làm việc và xác nhận thực tế nhưng vẫn không điều chỉnh lại. Đoạn tim kênh tại khách sạn số 20 - Ba Vì bị uốn cong và đẩy lệch 1,30m sang nhà số 22 - Ba Vì. Đoạn kênh tại số nhà 124 - Cộng Hòa rất thẳng, lãnh đạo quận Tân Bình và các cơ quan chức năng đã xuống kiểm tra, xác minh trong 2 ngày: 20 và 21/6/2022, thế nhưng tim kênh vẫn bị dự án “uốn” khiến nó nằm sâu vào trong nhà số 130 và số 124/1 - Cộng Hòa.
Hiện tại, đoạn kênh tại số nhà 124/1 - Cộng Hòa đang bị Xí nghiệp In Tài chính lấn chiếm và sử dụng bất hợp pháp. Điều đáng nói ở đây là ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình và các cơ quan chức năng đã xuống tận nơi đào cống lên để xác minh và thừa nhận là tim kênh bị “nắn chỉnh”, nhưng đến nay vẫn không điều chỉnh. Theo giấy phép xây dựng và chủ quyền căn nhà 124/1 Cộng Hòa, thì tim kênh 3,7m và hành lang kênh 7,3m. Như vậy đoạn kênh A41 đi qua đây đã bị Xí nghiệp In Tài chính làm nhà 7 tầng lầu lên dòng kênh 2m và hành lang kênh 7m.
Bà Lê Thị Sửa chui xuống cống thoát nước để cùng lãnh đạo quận Tân Bình xác định tim kênh tại căn hộ 124/1 - Cộng Hoà |
Theo Quyết định số 5800/QĐ-GTVT ngày 28/10/2016 của Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh thì ông Nguyễn Xuân Trường là Chủ nhiệm lập DA A41. Tuy nhiên, qua nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, đối chất, người dân cho rằng ông Trường đã lập dự án với rất nhiều bất cập vì không căn cứ vào hồ sơ gốc mà phía quân đội đã bàn giao cho TP. Hồ Chí Minh năm 1989 và chỉ đạo của thành phố. Dự án lại không công khai, minh bạch và lấy ý kiến của người dân. Những người lập dự án không hiểu do thiếu hiểu biết hay cố tình mà “nắn chỉnh” tim kênh, vẽ vỉa hè mỗi bên của con đường trên kênh là 4m và thiết kế để cho tất cả các loại xe lưu thông với tốc độ là 40km/h?
Trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân, UBND quận Tân Bình, chủ đầu tư và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận thường bao biện, lẩn tránh những nội dung bất cập của dự án. Chẳng hạn như việc đền bù, chỗ cần đền bù hỗ trợ thì không giải quyết; chỗ sai, chỗ không cần đền bù hay hỗ trợ lại đền bù, hỗ trợ. Rồi việc điều chỉnh lại tim kênh cho đúng với hồ sơ gốc, hay điều chỉnh độ rộng của vỉa hè của đường trên kênh từ 4m xuống 2m, chủ đầu tư lại đùn đẩy cho Sở Giao thông vận tải hay Sở Xây dựng thành phố.
Không những vậy, lãnh đạo quận Tân Bình và các cơ quan chức năng một mực khẳng định: Dự án này là do thành phố phê duyệt, họ chỉ làm theo quyết định của trên. Tuy nhiên, theo Quyết định 5800/QĐ-SGTVT, có ghi rất rõ tại Điều 2, Mục 16, là: “Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với sự chính xác về nội dung và các số liệu trong hồ sơ trình duyệt”. Do đó, chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Tân Bình và các cơ quan chức năng là những đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, đo đạc, thiết kế dự án ban đầu để trình lên cấp trên phê duyệt phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cao nhất. Việc né tránh, phủ nhận và đùn đẩy trách nhiệm như vậy, làm cho những bất cập trong Dự án cải tạo kênh A41 càng khó giải quyết. Nguy cơ ngập úng và cản trở các hoạt động thương mại ở sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như trong khu vực vẫn hiện hữu.
(Còn nữa)