Longform
17/11/2024 08:00
Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

17/11/2024 08:00

Ở cù lao Ốc, câu chuyện về thầy Đặng Văn Bửu như một "ngọn lửa" của khát khao cống hiến và truyền đi tình yêu, sự yêu thương vô bờ dành cho học trò vùng khó.
Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ
Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

"Đêm trăn trở nghe câu hò "Biển mặn"

Chốn quê nghèo, dù biển cạn vẫn còn mưa

"Học nữa" đi em, cho đời "bớt mặn"

"Học mãi" nghe em, cho mắt mẹ sáng ngời

Em vẽ tiếp… bức tranh còn dang dở

Có một cù lao nghèo đang "đổi thịt thay da"

Cây trái ngọt, trong từng câu hát ngọt

Ôi… vị mặn nào đang lắng đọng trong ta"...

(MẶN - thơ Đặng Văn Bửu)

Những câu thơ như viết tận đáy lòng cũng là lời tâm tình của thầy Đặng Văn Bửu đã in sâu trong tâm thức, là động lực thôi thúc nhiều thế hệ học trò ở cù lao Ốc vươn lên trong học tập, khơi lên trong các em những ước mơ, hoài bão chinh phục tri thức, hướng đến tương lai tươi sáng hơn. Để rồi lớp lớp học trò đó giờ đây đang ngày ngày mang tài sức cống hiến cho quê hương, đất nước.

Ở cù lao Ốc, câu chuyện về thầy Đặng Văn Bửu - "ông giáo" ngoài 50 tuổi cùng chiếc nạng gỗ bám trường, bám đảo là một minh chứng sống động cho sự tâm huyết, cống hiến và tình yêu thương dành cho học trò vùng khó. Không chỉ là người truyền thụ kiến thức, thầy Bửu còn là cầu nối văn hóa đến với học sinh và bà con.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình gồm 5 anh chị em ở xã Hưng Phong, từ nhỏ thầy Đặng Văn Bửu đã ốm yếu bệnh tật, tuổi thơ không được vui chơi như bạn bè đồng lứa mà gắn liền với chiếc giường ở bệnh viện cùng mẹ. Có khi, cậu bé Bửu phải nằm đến cả tháng trời.

"Tôi thương những giọt mồ hôi ướt trên áo cha mỗi khi đi làm về, tiếng thở dài của mẹ khi đếm những đồng bạc lẻ còn lại sau một ngày lo cơm áo gạo tiền. Chính hoàn cảnh khó khăn ấy đã biến thành động lực để tôi vươn lên và sớm đạt được ước mơ của mình vào tuổi 21", thầy Bửu tâm sự.

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Năm 1993, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, thầy Bửu được phân về quê nhà dạy học và từ đó đến nay là giáo viên dạy Lịch sử tại Trường THCS Hưng Phong.

Gọi là xã, thế nhưng thực chất Hưng Phong là một cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hàm Luông, từ đất liền ra chỉ có thể đi phà. Thầy Bửu nhớ lại: "Hơn 30 năm trước quê hương tôi còn thiếu giáo viên lắm. Thầy cô từ xa đến chỉ ở lại dạy 1 đến 2 năm lại luân chuyển đi, không ai muốn ở lại vì điều kiện đường xá quá bất tiện. Một số đồng nghiệp thì bỏ nghề giữa chừng".

Vùng xã đảo này, hầu hết người dân sống bằng nghề đánh bắt tôm cá, con em họ thường xuyên theo bố mẹ đi làm cho nên việc huy động trẻ đến trường và duy trì sĩ số học sinh trên lớp gặp rất nhiều khó khăn. Không đành lòng nhìn các em bỏ học, thầy Bửu thường xuyên vượt đường sá xa xôi đến từng gia đình để vận động cho các em đi học.

"Các em trong xã đi vận động còn thuận tiện, có những em ở đất liền ra học hay ở Cồn Đeo (cù lao nhỏ phía bắc Cồn Ốc) thì ngày ngày phải bắt vội chuyến đò sang sông rồi quay về vô cùng khổ cực. Có những học trò chỉ kém thầy vài tuổi do học muộn khiến bầu không khí vô cùng ngượng nghịu", thầy kể.

Bây giờ, điều kiện trên đảo đã tốt hơn nhiều, việc đi lại cũng thuận tiện hơn, nhưng đối với thầy Bửu, những năm tháng vất vả, khó khăn ấy mãi là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời giáo viên của mình.

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Giữa muôn vàn khó khăn, vừa dạy học, vừa vận động… thế nhưng 31 năm trên bục giảng, người thầy xã đảo vẫn vẹn nguyên trái tim nhiệt huyết, nguyện đem hết sức mình phục vụ cho giáo dục quê nhà.

Ngần ấy thời gian giảng dạy cũng là ngần ấy thời gian thầy Bửu mải mê tìm tòi, chăm chỉ, học hỏi kiến thức ở sách vở, Internet, đồng nghiệp để tích lũy và truyền đạt tri thức cho bao thế hệ học trò. Với thầy Bửu, hạnh phúc là khi nhìn thấy lớp lớp học trò của mình trưởng thành, khôn lớn.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: "Chúng ta phải sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới", trong chương trình dạy, thầy giáo Đặng Văn Bửu luôn tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy để "truyền lửa" kiến thức cho học sinh, đặc biệt không nặng về lý thuyết mà chủ động gợi ý cho các em học sinh phần kiến thức cơ bản nhất, áp dụng công nghệ thông tin, trình chiếu các tranh ảnh, đoạn video về lịch sử vào giảng dạy giúp các em dễ hình dung, dễ hiểu.

Thầy còn thường xuyên trao đổi thông tin với học sinh, thực hiện giải đề không chỉ trên lớp mà còn qua các nhóm Zalo, giới thiệu các tài liệu, tư liệu liên quan đến việc học tập và ôn thi cho các em học sinh.

"Với tôi, môn học này không chỉ giúp các em có thêm hiểu biết về lịch sử mà thông qua đó còn giáo dục các giá trị truyền thống, nhân cách con người để học sinh vận dụng trong cuộc sống. Để làm được điều này đòi hỏi giáo viên phải là người có kiến thức lịch sử sâu rộng, phấn đấu để trở thành người "nghệ sĩ" kể chuyện lịch sử tạo hứng thú cho học sinh", thầy Bửu chia sẻ.

Thầy Bửu bảo: "Nhiều đồng nghiệp trẻ thường hỏi tôi kinh nghiệm để dạy tốt môn Lịch sử. Tôi thường trả lời rằng: 'Không biết thầy đã dạy tốt hay chưa nhưng thầy đã dạy học bằng cả khối óc và trái tim và luôn nỗ lực hết sức mình".

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Với cách giảng dạy đầy tâm huyết, Ban Giám hiệu Trường THCS Hưng Phong tin tưởng phân công thầy Bửu bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện, tỉnh.

Kết quả nhiều năm liền, các em học sinh đạt thành tích cao. Thầy Bửu đã bồi dưỡng 69 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Năm 2012 - gần 20 năm đứng trên bục giảng, hàng ngày say mê ôn luyện cho học trò khiến thầy Đặng Văn Bửu quên cả hạnh phúc riêng tư. Thế nhưng, ngay khi thầy Bửu chuẩn bị lập gia đình thì biến cố ập tới, thầy bị thương tật vĩnh viễn chân phải trong lần tai nạn khi qua phà.

"Khủng khiếp hơn khi ngay sau đó bác sĩ thông báo tôi bị u xương có thể phải cắt bỏ một chân. Lúc đó, mẹ tôi phải trốn xuống gầm giường bệnh viện và khóc nức nở vì bà sợ tôi thêm đau lòng. Nghe tiếng mẹ khóc mà lòng tôi đau như dao cắt", thầy Bửu rưng rưng nước mắt nhớ lại "thời điểm đen tối nhất trong đời".

Cùng với đó, khi đang trong quá trình điều trị thầy nhận được những lời xì xào, bàn tán cho rằng khi xuất viện sẽ phải lui về thư viện làm công việc văn phòng, không được tham gia giảng dạy...

"Nằm trên bàn mổ được bác sĩ gây mê, nỗi sợ không được đến lớp bao trùm lên tất cả, lúc này đột nhiên nhớ về những gương mặt học trò yêu mến dường như thúc giục tôi điều gì đó. Khi bác sĩ hỏi xác nhận lần cuối, tôi đã từ chối cuộc phẫu thuật. Cho đến giờ này, quyết định khi đó với tôi vẫn là đúng đắn, nếu ngày đó đồng ý không biết tôi đã đi về đâu.

Sau đó, tôi vẫn gắng sức hồi phục, đi dạy với một bên nạng nhưng vẫn hoàn thành bài giảng, đã hoàn toàn thuyết phục được các cán bộ dự giờ cho tiếp tục dạy học", thầy Bửu kể và chỉ vào cây nạng - hành trang theo thầy đến trường mỗi ngày.

Có những ngày trời trở gió, đôi chân của thầy lại xuất hiện những cơn đau nhức, đi lại phải nhờ sự trợ giúp của chiếc nạng gỗ. Thế nhưng, thầy Bửu vẫn miệt mài lên lớp, mang kiến thức đến với học trò.

"Tôi sẽ tiếp tục cống hiến tại ngôi trường mà tôi đã chọn - ngôi nhà thứ hai của tôi. Nơi đã dang rộng vòng tay đón tôi trong những giây phút cảm thấy tuyệt vọng nhất; nơi có các anh chị em đồng nghiệp yêu quý luôn sẵn lòng chia sẻ, dìu dắt tôi; nơi có sự tin tưởng, đồng hành của quý bậc phụ huynh và đầy ắp những tình cảm học trò dành cho tôi... Tất cả đã tiếp thêm nghị lực để tôi đủ sức gượng dậy và tiếp tục cống hiến", thầy Bửu bày tỏ.

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ
Thầy giáo Đặng Văn Bửu là một trong 60 giáo viên được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức - Ảnh: Nguyên Thảo

Thấu hiểu những thiệt thòi của thầy, nhiều thế hệ học sinh nơi đây đã biết ơn và ghi sâu vào tâm trí hình ảnh người thầy bước đi tập tễnh trên bục giảng truyền cảm hứng cho học trò.

Em Phạm Ngọc Thảo - cựu học sinh trường THCS Hưng Phong chia sẻ, trước kỳ thi học sinh giỏi năm 2019, bệnh cũ tái phát, Thảo không thể tập trung ôn bài. Vào phòng thi, cơn đau đầu lại tái phát, Thảo gục đầu xuống bàn khóc nức nở.

"Trong giờ phút ấy, chợt nhớ hình ảnh người thầy, nghe tiếng nạng gỗ của thầy, khi khoan, khi nhặt, lúc dồn dập như giục giã. Khi đó em bừng tỉnh, tập trung suy nghĩ quyết tâm nỗ lực làm bài đến phút cuối", Thảo kể lại và hào hứng khoe thành tích đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 ngay từ năm học lớp 8.

Điều đáng tự hào hơn là em đã vượt qua tất cả anh chị khối 9 trong huyện để trở thành học sinh duy nhất đạt giải Nhất trong tất cả các môn thi.

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Cũng chung cảm xúc như Thảo, em Nguyễn Văn Đạt - học sinh lớp 9, Trường THCS Hưng Phong chia sẻ, trong khoảng thời gian ôn thi học sinh giỏi cấp huyện, em bị đau mắt phải nghỉ học khiến thầy vô cùng lo lắng.

Trong thời gian đó, thầy Bửu đã tranh thủ các buổi tối dạy trực tuyến. Trước sự tận tâm của người thầy, cậu bé 14 tuổi đã quyết tâm học tập và đã đạt thành tích cao trong kỳ thi.

"Kết thúc kỳ thi học sinh giỏi, em đạt giải Nhất. Em muốn gửi đến thầy lòng biết ơn sâu sắc nhất. Thầy không chỉ là người giáo viên mà còn là người bạn, người thân luôn yêu thương và hỗ trợ chúng em trên con đường tìm kiếm tri thức. Nhờ sự tận tụy và nhiệt huyết của thầy, môn Lịch sử với em trở thành những bài học sống động, ý nghĩa và tự hào. Dù mai này mỗi người có thể đi những con đường khác nhau, nhưng những bài học, tình cảm và lòng biết ơn dành cho thầy sẽ mãi là hành trang quý giá; là động lực để em sống có trách nhiệm và tiếp bước trên đường đời", Đạt bày tỏ.

Nhìn lại những việc đã và đang làm, thầy Bửu tâm niệm: "31 năm công tác tại xã đảo, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy hối tiếc vì đã chọn nghề làm thầy. Hàng ngày, thấy các học sinh đi học đầy đủ và không ngừng tiến bộ, mọi khó khăn vất vả đều tan biến. Đó chính là động lực thôi thúc tôi và đồng nghiệp tiếp tục hành trình không kém phần gian nan, vất vả nhưng cũng rất "ngọt ngào" này".

Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy giáo Đặng Văn Bửu là một trong 60 giáo viên được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ
longform

Nguyên Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Những món quà hạnh phúc cho người dân vùng biên dịp cuối năm

Gia Lai: Những món quà hạnh phúc cho người dân vùng biên dịp cuối năm

Những phần quà, suất học bổng dành cho người già và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn là niềm động viên to lớn với người dân vùng biên Gia Lai dịp cuối năm.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Cán bộ Đoàn, Hội phải

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cán bộ Đoàn, Hội phải 'gian khổ thì đi trước, hưởng thụ thì đi sau'

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, Đoàn tiên phong, lo trước thanh niên, vui sau thanh niên, gian khổ thì đi trước, hưởng thụ đi sau.
Thanh niên Việt Nam yêu nước, đoàn kết, tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Thanh niên Việt Nam yêu nước, đoàn kết, tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Ngày 18/12, tại Hà Nội đã diễn ra phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029.