Thứ ba 24/12/2024 06:33

Khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát: Thực hiện giấc mơ an cư cho người nghèo

Các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã và đang tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát, với mong muốn giúp người dân thoát nghèo, có cơ hội vươn lên.

Triệu tấm lòng yêu thương, xây nghìn mái nhà đoàn kết

Ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, qua rà soát của UBND các huyện, thị xã, thành phố, đến thời điểm này, toàn tỉnh Bắc Ninh có 216 hộ cần xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó có 85 gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; 131 hộ cận nghèo, yếu thế có hoàn cảnh khó khăn.

Các địa phương đang đẩy mạnh xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo. Ảnh: Diễn Lệ

Để hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hỗ trợ nhà ở đến tạo điều kiện tiếp cận vốn vay. Đơn cử, trong 10 tháng của năm 2024, Sở Xây dựng Bắc Ninh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện hỗ trợ xây mới nhà cho 18 hộ nghèo với số tiền 1.170 triệu đồng.

Dự kiến đến hết năm 2024 sẽ tiếp tục hỗ trợ xây mới cho thêm 22 hộ nghèo có nhu cầu. Bên cạnh đó, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh sẽ được hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, diễn ra mới đây, Phiên họp đã thông qua Quyết định số 1179-QĐ/TU ngày 14/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; đồng thời thông qua Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Ninh về Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, dự thảo phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh quyết tâm trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình người có công, hộ cận nghèo, yếu thế có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; thống nhất mức hỗ trợ 100 triệu đồng/1 hộ xây mới và 50 triệu đồng/1 hộ sửa chữa.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tiến hành rà soát chính xác danh sách từng hộ, có thông tin chi tiết, cụ thể về Ban chỉ đạo xong trước ngày 30/11/2024; mỗi địa phương chọn ít nhất 2 hộ để khởi công xây dựng nhà ở vào đầu tháng 12/2024.

Còn tại tỉnh Bắc Giang, năm 2024 cũng đề ra chỉ tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn.

Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang gấp rút, tập trung đẩy nhanh tiến độ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 307-NQ/TU trong đó tập trung xóa xong nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo của tỉnh vào năm 2024; cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc các địa phương vào cuộc, thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo của địa phương mình; tổ chức lễ phát động vận động ủng hộ.

Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, của tỉnh về hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo đến đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, các thôn và nhân dân, từ đó tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của tầng lớp nhân dân.

Qua rà soát, thống kê và thẩm định, tính đến tháng 10/2024, Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt hỗ trợ xây dựng 1.393 căn nhà.

Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang xác định rõ quan điểm: "Phải làm cho mỗi ngôi nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công được xây dựng không chỉ bằng gạch đá, xi măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết, bằng truyền thống tương thân tương ái, tình cảm và tấm lòng của toàn xã hội".

Cũng như Bắc Ninh, Bắc Giang, nhiều địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo. Với tinh thần "Triệu tấm lòng yêu thương, xây nghìn mái nhà đoàn kết", từ năm 2000 đến hết năm 2023, có hơn 1,7 triệu căn nhà Đại đoàn kết được xây mới và sửa chữa cho các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong giai đoạn 2021-2023, với sự trợ giúp của cộng đồng và ngân sách nhà nước, đã có 139.995 căn nhà được xây dựng, cải tạo. Và hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai công tác này, với mục tiêu giúp người dân có cơ hội thoát nghèo, vươn lên.

Thực hiện chiến lược phát triển bền vững

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song hiện nay cả nước vẫn còn trên 315.000 hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở; khoảng 170.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát. Một bộ phận người dân còn thiếu hạ tầng thiết yếu, các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, điện, phủ sóng truyền thông, y tế, giáo dục...

Để hoàn thành mục tiêu vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025; đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng nguồn lực hỗ trợ.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân tại địa phương, kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ thực tế và đề xuất, kiến nghị cụ thể, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

"Không để ai bị bỏ lại phía sau", chương trình lần này được phát động trên tinh thần: "Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít"; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

Căn cứ thực tế triển khai trong năm 2024, với mục tiêu không còn gia đình phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, năm 2025, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình. Đối tượng được ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát theo thứ tự là: Hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; hộ gia đình có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật); các hộ gia đình thuộc đối tượng yếu thế còn lại.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đặt ra yêu cầu, sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2. Riêng người độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không nhỏ hơn 18m2. Các ngôi nhà được xây mới hoặc sửa chữa phải bảo đảm “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ đạt từ 20 năm trở lên.

Với quyết tâm cao và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, mỗi người chúng ta đều tin tưởng đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên cả nước. Việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một chính sách xã hội mà còn là chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo mỗi người dân, đặc biệt những hộ nghèo, cận nghèo đều có cơ hội sống trong những ngôi nhà an toàn và kiên cố.

Bắt đầu từ tháng 12/2024, Ban Chỉ đạo các cấp họp hàng tháng để rà soát, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Các bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng nhiệm vụ được phân công tổng hợp kết quả thực hiện chương trình hàng tháng, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương.
Tâm An
Bài viết cùng chủ đề: Hộ nghèo

Tin cùng chuyên mục

Phục hồi tái thiết sau thiên tai: Cần nhanh nhất và sớm nhất

Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 10

Nhân sự Trung ương: Thông tin về tổ chức nhân sự tại Quân chủng Hải quân

Dự báo thời tiết biển hôm nay 23/12/2024: Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hướng về Nam Trung Bộ và Tây nguyên

Dự báo thời tiết hôm nay 23/12/2024: Bắc Bộ trời hanh khô, Nam Bộ có mưa

Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà nhân ngày 22/12

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN