Khai thác hiệu quả IoT, mở rộng thị trường toàn cầu
Nhận định của các diễn giả tại hội thảo cho thấy, IoT đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến sản xuất, kinh doanh… Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey Global, IoT sẽ có tác động mạnh mẽ về mặt kinh tế với tất cả những công nghệ đột phá, có thể đạt 36.000 tỷ USD trong chi phí vận hành những năm tới.
Nhìn rộng ra, ứng dụng IoT trong doanh nghiệp cũng đang dần đóng vai trò quyết định làm giảm chi phí, tăng hiệu quả quản lý, năng suất, bởi nó cho phép thu thập dữ liệu có thể sử dụng để dự đoán nhu cầu và làm ra các sản phẩm hiệu quả, chất lượng hơn. Đây cũng là cơ hội cho các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng để có thể gia tăng giá trị, giúp mở rộng thị trường.
Cụ thể, IoT có thể giúp doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng dữ liệu, tạo ra những thông tin hữu ích để cải thiện quy trình sản phẩm. Kết nối máy móc với cảm biến thông qua Internet, cho phép các nhà sản xuất hoặc các nhà cung cấp theo dõi sản xuất từ xa, từ đó phát hiện những vấn đề trước khi gặp phải sự cố nghiêm trọng. Dữ liệu được sử dụng có thể áp dụng một cách chủ động và tự động bởi các máy móc nhằm cải thiện hiệu suất dòng sản phẩm, lập kế hoạch, tránh gián đoạn hoặc cho phép các nhà cung cấp đẩy mạnh việc cập nhật phần mềm để trực tiếp trang bị cho các thiết bị thông qua Internet. Các nhà sản xuất có thể tạo ra các mô hình kinh doanh mới kết hợp sản phẩm với các dịch vụ đi kèm về phân tích dữ liệu được cung cấp thông qua Internet, bố trí và thiết kế những thế hệ sản phẩm kế tiếp chất lượng và hiệu suất cao…
Ông Phạm Hoàng Tiến - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa VCCI - cho rằng: IoT là một xu hướng của các nhà sản xuất, doanh nghiệp không thể không quan tâm trong thời đại kỹ thuật số. Dự báo IoT sẽ kết nối khoảng 28 tỷ thiết bị vào năm 2020 (từ các thiết bị đeo trên người cũng như các thiết bị nhà thông minh). Theo ông Tiến, khả năng tương tác đóng vai trò quan trọng giúp IoT phát huy vai trò cho doanh nghiệp khai thác tiềm năng của thị trường. Tuy nhiên, để tăng khả năng tương tác thì cần phải nắm rõ và hiểu được các yêu cầu qui định mang tính toàn cầu về bảo mật, an toàn… của IoT. Đó là lý do VCCI đã phối hợp với UL để tổ chức hội thảo này.
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ UL, Công ty Cổ phần công nghệ HOMA (Mỹ)… đã giới thiệu về các tiêu chuẩn, năng lực kiểm nghiệm, chứng nhận cũng như các yêu cầu qui định đối với sản phẩm IoT tiêu dùng tại các thị trường lớn trên thế giới như Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu, châu Á…. Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo đã trực tiếp trao đổi với các diễn giả liên quan đến việc tiếp cận, tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu về IoT để tận dụng thế mạnh đưa các sản phẩm của mình chiếm lĩnh thị trường hiệu quả.
Tiến sỹ Sơn Võ - Công ty Cổ phần công nghệ HOMA - cho biết, để giúp các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu thông qua IoT, HOMA đã tập trung vào các thiết bị Smarthome. Tại thị trường Việt Nam, HOMA chủ yếu tập trung phát triển các dịch vụ kỹ thuật, thiết kế hoàn hảo hệ thống sử dụng trong nhà, tòa nhà, thiết kế hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm nhúng, điện toán đám mây, mạng truyền dẫn… với các công nghệ mới nhất để tạo ra hệ thống mạng không dây và có dây thuận tiện, dễ sử dụng, dễ cài đặt nhất cho khách hàng.
Các diễn giả tham luận đều cho rằng, nắm bắt, tận dụng và tuân thủ tốt các tiêu chuẩn toàn cầu về IoT sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động, tăng năng suất, mở rộng thị trường toàn cầu khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ.