Khai mạc Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022
Sáng 25/11, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới”. Diễn đàn do Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện nhiều tỉnh thành, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong nước và quốc tế cùng nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, GIZ, ADB, UNICEF…
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 sẽ thảo luận các chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính – Ông Võ Thành Hưng cho biết Chiến lược tài chính đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”.
Tuy nhiên, dịch Covid – 19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của kinh tế xã hội khiến nhu cầu chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách cho một số lĩnh vực như y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tăng cao. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.
Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giảm pháp về tài chính, ngân sách nhà nước linh hoạt, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và vĩ mô như miễn giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước khác với tổng số tiền hỗ trợ năm năm 2021 khoảng 140 nghìn tỷ đồng và 10 tháng đầu năm 2022 khoảng 144,5 nghìn tỷ đồng để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Giảm 32 nghìn tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để ổn định giá xăng, dầu, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Chi ngân sách nhà nước ưu tiên cho phòng chống dịch Covid – 19 và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân. Ngoài ra, cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội 10 tháng đầu năm 2022 đạt 11.122 tỷ đồng, tạm ứng hỗ trợ lãi suất khoảng 645 tỷ đồng… Trình Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn; đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đăc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu….
Thứ trưởng Bộ Tài chính - ông Võ Thành Hưng |
Theo ông Võ Thành Hưng, các chính sách tài chính – ngân sách nhà nước đã góp phần ổn định kinh tế vĩ môi, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch Covid – 19. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình thế giới và trong nước thay đổi nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng vẫn chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó biến đổi khí hậu và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết trung ương, đặc biệt là Trung ương 5, 6 về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy các thế mạnh, huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận với mục tiêu đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính – Ngân sách nhà nước trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các giải pháp tài chính – Ngân sách nhà nước cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Ngoài phiên khai mạc, Diễn đàn gồm 2 phiên tham luận chính gồm: Nguồn lực tài chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; và Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.