Kết quả kiểm toán thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15: Còn những vướng mắc cần khắc phục
Nhiều cuộc kiểm toán đánh giá thực hiện chính sách hỗ trợ
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 43, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023 và tiến hành một số cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình.
Kết quả kiểm toán cho thấy các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, triển khai nhiệm vụ được giao |
Cụ thể, kiểm toán chuyên đề "Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết 43/2022/QH15"; kiểm toán chuyên đề "Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và một số địa phương"; kiểm toán hoạt động "Việc quản lý và sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích" và "Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP".
Bên cạnh các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, Kiểm toán nhà nước đã ban hành văn bản định hướng một số nội dung trọng yếu cần tập trung đánh giá trong các cuộc kiểm toán trong năm 2023 đối với niên độ ngân sách 2022 như: Đánh giá việc triển khai và thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị định số 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; công tác điều hoà, phân bổ nguồn vốn đầu tư công của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15...
Còn những bất cập
Qua kết quả kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đã đạt được một số kết quả chủ yếu; giúp kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát...
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán cũng cho thấy, việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Điển hình như, tiến độ giải ngân của nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 43. Tại thời điểm kiểm toán (8/2023) có 21 dự án chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn năm, 59 dự án chưa thực hiện giải ngân vốn.
Mặt khác, trong tổng số 219 dự án được thông báo danh mục và mức vốn để hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư tại Văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, có 50 dự án chậm so với yêu cầu. Đến ngày 28/6/2022 còn 25 dự án thuộc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa đề xuất giao vốn giai đoạn.
Ngoài ra, qua kết quả kiểm toán tại một số Bộ, cơ quan trung ương cho thấy: Trong tổng mức vốn chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương giao cho Chương trình có bố trí bổ sung cho các dự án đầu tư thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên Bộ Tài chính chưa có phương án, đề xuất giải pháp để theo dõi riêng số giải ngân nguồn vốn của Chương trình nên việc tổng hợp số vốn giải ngân cho các dự án thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn gặp khó khăn, do các dự án trên được giao vốn hòa chung nguồn của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn được bổ sung từ nguồn Chương trình.
Đồng thời, việc bố trí, thực hiện giải ngân nguồn vốn đối ứng của địa phương chưa phù hợp với tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương. Đến thời điểm ngày 30/6/2023 tổng số vốn ngân sách trung ương đã được phân bổ 81.801/116.848 tỷ đồng đạt 70% nhưng tổng số vốn ngân sách địa phương mới chỉ bố trí là 422,6/17.436 tỷ đồng đạt 2,4%; thậm chí có dự án chưa được địa phương bố trí.
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra, công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn bất cập, chưa phù hợp quy định về thủ tục, hồ sơ; công tác tham mưu ban hành văn bản thực hiện chính sách còn chưa kịp thời, đầy đủ, phù hợp dẫn đến vướng mắc, lúng túng và khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện...
Qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia lao động - việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo sự liên thông, đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc; xây dựng giải pháp kết nối, điều tiết, tập trung nắm bắt diễn biến của cung - cầu lao động để có đầy đủ thông tin khi tham mưu Chính phủ ban hành chính sách liên quan đến người lao động. |