Xóa nghèo bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Là một huyện thuần nông nên trước khi sáp nhập Thủ đô, Phúc Thọ là một huyện có cơ sở hạ tầng thiếu thốn, có nhiều làng nghề nhưng chưa thực sự tạo được đột phá, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của các cấp, ngành, Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân, huyện Phúc Thọ ngày nay đã có nhiều thay đổi tích cực. Đến nay, kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn một số ngành chủ yếu tăng trưởng khá, trung bình đạt 9,96%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Chia sẻ về những thành quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, Phùng Anh Tuấn nhấn mạnh về những đổi thay trong sản xuất nông nghiệp. Người dân Phúc Thọ xưa nghèo vì nông nghiệp lạc hậu thì nay đang giàu lên nhờ nông nghiệp. Trước kia, nông dân canh tác các loại giống lúa, hoa màu giá trị kinh tế thấp bằng phương pháp thủ công nên năng suất không cao. Từ khi sáp nhập về Hà Nội, nhờ nguồn vốn từ Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”; Bên cạnh đó, Phúc Thọ có thêm nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cụ thể là hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Dựa trên những thành quả đã đạt được, đời sống người dân ngày một cải thiện, mức thu nhập hiện đạt trên 38 triệu đồng/người/năm.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ kết hợp phát triển nông thôn mới (NTM)
Nói về mô hình nông thôn mới của huyện, bên cạnh những cánh đồng lớn đã được quy hoạch với giống lúa mới cho năng suất cao. Nông dân huyện Phúc Thọ cũng đang chuyển hướng chuyên canh các cây trồng khác mang lại giá trị cao như mô hình: Hoa Ly đạt 2,8 - 3 tỷ đồng/ha/năm, gấp trên 60 lần so với trồng lúa; rau an toàn đạt 600 - 800 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả từ 352ha nay toàn huyện có hơn 850ha, giá trị thu nhập đạt từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên, chăn nuôi theo hình thức trang trại quy mô lớn ngày càng nhiều… Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình thực hiện trong nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo quy trình không chỉ làm gia tăng năng suất mà còn bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Phúc Thọ nay trở thành một trong những đầu mối uy tín cung cấp khối lượng thực phẩm lớn và đa dạng cho thị trường Hà Nội.
Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã được huyện Phúc Thọ tập trung chỉ đạo sát sao. Huyện đã quan tâm việc đào tạo nghề, nhân cấy nghề, phát triển làng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2017, tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn đạt 3.400 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 2.950 tỷ đồng, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Phúc Thọ cũng có cơ hội phát triển.
Điển hình như Tam Hiệp nay là một trong những xã phát triển bậc nhất của huyện, chuyển mình từ một xã thừa lao động sang xã đi "xin việc", tức là thừa lao động trở thành xã đi "cho việc” cung cấp việc làm cho người lao động tại các xã trong huyện và các huyện lân cận như Thạch Thất, Quốc Oai… Ông Trần Huy Huấn - Bí thư Đảng ủy xã cũng cho biết thêm: Nhờ được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, từ những tuyến đường làng nghề, đường tránh làng nghề, các trạm biến áp và đường dây của hệ thống điện được đầu tư để hoạt động sản xuất, giao thương của bà con làm nghề thuận lợi và không ngừng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã Tam Hiệp hiện là 43,5 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với 10 năm trước.
Ngoài ra còn phải kể tới Làng nghề tủ bếp Thanh Đa, Phú An, Hát Môn, mang những sản phẩm tủ bếp gỗ tự nhiên chất lượng cao ra khắp miền bắc đến các gia đình. Bên cạnh đó, còn rất nhiều làng nghề như may Thượng hiệp, Rau an toàn Phú an, sản phẩm bưởi Phúc Thọ cũng có tiếng với vị ngọt.
Cùng với việc hoàn thiện và nỗ lực để nâng cao đời sống về mặt kinh tế, lãnh đạo và nhân duân huyện cũng rất chú trọng việc củng cố các thiết chế văn hóa, nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào xây dựng NTM và thi đua “người tốt, việc tốt”. Hiện tại, phong trào đang được triển khai đồng bộ, rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân huyện, đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là giáo dục thế hệ trẻ trong thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh. Bởi lãnh đạo huyện nhận định, nếu thế hệ trẻ nhiệt huyết thì sẽ thực hiện tốt mọi nhiệm vụ phát triển KT - XH mà Trung ương, thành phố cũng như huyện đề ra để đưa Phúc Thọ ngày càng phát triển giàu mạnh, đúng hướng.