Hướng tới tự chủ nguồn nguyên liệu
Phụ thuộc nguồn cung
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, do CNHT kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, sản xuất, lắp ráp ôtô... Vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn để bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất. Đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.
Từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu để phát triển CNHT |
Trước thực trạng trên, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) - cho biết, biến cố từ dịch bệnh đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới bị đứt gãy. Mặc dù vẫn có thể duy trì sản xuất nhưng gần 50% số DN thuộc VASI bị sụt giảm doanh thu... “Hầu hết DN CNHT Việt Nam còn rất yếu kém so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh dịch bệnh, DN cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành để khôi phục sản xuất” - bà Trương Thị Chí Bình chỉ ra.
Thực trạng yếu kém trên không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. “Vì vậy, phát triển CNHT, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn” - đại diện Cục Công nghiệp nhấn mạnh.
Phát triển chuỗi giá trị trong nước
Để nỗ lực thúc đẩy phát triển CNHT, cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển; tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo...
Trên cơ sở đó, tập trung phát triển chuỗi giá trị trong nước, thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Trong đó, xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đưa ra giải pháp, bà Trương Thị Chí Bình đề xuất, Chính phủ có thể ban hành Luật CNHT, Luật Công nghiệp để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là thúc đẩy hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao...