Hướng tới tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng Đề án “Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu, nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng trong thời kỳ mới”, thời hạn trình là năm 2020 để thay thế cho các nhiệm vụ quy định tại số thứ tự 20, 21, 23 của Phụ lục Đề án nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW.
Doanh nghiệp nhà nước đóng góp tích cực cho nền kinh tế |
Các đề án được thay thế, bao gồm: Đề án “Phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới. Hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh khép kín, cục bộ, không minh bạch trong DNNN, đặc biệt là trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”; Đề án “Phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu với quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế ở một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế trên cơ sở hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước theo thông lệ quốc tế; xác định rõ quy mô và phạm vi hoạt động phù hợp với năng lực quản trị, điều hành; cơ cấu lại bộ máy tổ chức và cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân cấp, phân quyền rõ ràng”; Đề án “Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về DNNN, đặc biệt là các cơ chế, chính sách về tập đoàn kinh tế và cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng, tình hình thực tế”.
Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT hoàn thành việc xây dựng Đề án Phát triển DNNN quy mô lớn nói trên ngay trong năm 2020.
Trước đó tại Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII), liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý DNNN đã chỉ rõ việc củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu với quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế ở một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế trên cơ sở hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước theo thông lệ quốc tế.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên khái niệm “tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu” được xác lập trong một nghị quyết của Đảng. Theo các chuyên gia, để khái niệm này đi vào cuộc sống, cần xây dựng được các nội hàm, định nghĩa rõ ràng. Yêu cầu này chắc chắn sẽ được Chính phủ đặt ra với Bộ KH&ĐT trong quá trình xây dựng Đề án nói trên.
Nghị quyết 12 của Hội nghị T.Ư 5 đã đáp ứng đầy đủ các đòi hỏi phát triển của DNNN. Tuy nhiên, việc thể chế hóa các nội dung trên còn chậm, cần tiếp tục đẩy nhanh để Nghị quyết 12 thực sự phát huy tác dụng trong đời sống kinh tế đất nước. |