Hướng tới mục tiêu 100% công tơ điện tử
Công tơ điện tử góp phần nâng cao minh bạch trong kinh doanh, bán lẻ điện |
Những lợi ích lớn
Báo cáo tại Hội nghị Phát triển công tơ điện tử đo xa giai đoạn 2021 – 2025 được tổ chức mới đây, đại diện Ban Kinh doanh EVN cho biết, năm 2015, Tập đoàn đã xây dựng Đề án phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa. Đến nay, đề án đã hoàn thành nhiều mục tiêu theo các giai đoạn, góp phần đáp ứng vận hành thị trường điện, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả trong quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh điện năng, đáp ứng yêu cầu dịch vụ khách hàng.
Cụ thể, đến cuối năm 2017, EVN đã lắp đặt hệ thống đo xa cho 100% điểm đo ranh giới. Tỷ lệ đo xa công tơ ranh giới giữa các đơn vị nội bộ trong tổng công ty điện lực đạt 100%. Tính đến hết năm 2019, toàn EVN có 28,07 triệu công tơ bán điện cho khách hàng; trong đó, 14,52 triệu công tơ điện tử (51,7%) và 13,55 triệu công tơ cơ khí (48,3%).
Việc triển khai công tơ điện tử và thu thập chỉ số công tơ từ xa không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác sản xuất, kinh doanh điện năng của EVN mà còn mang lại lợi ích cho khách hàng và xã hội. Cụ thể, công tơ điện tử giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động trong ghi chỉ số và quản lý công tơ, tính toán hóa đơn tiền điện, góp phần tăng năng suất lao động. Đây là công cụ hữu hiệu để dự báo, nghiên cứu phụ tải, đối soát sản lượng điện tiêu thụ phục vụ thị trường điện; giám sát và giảm tổn thất điện năng, giảm vi phạm gian lận về điện, giám sát chất lượng điện năng, tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của trạm biến áp và đường dây để nâng cao độ an toàn lưới điện. Công tơ điện tử còn giúp cải thiện khâu minh bạch số liệu và giao tiếp với khách hàng, cung cấp đầy đủ công cụ để khách hàng tự kiểm tra và điều chỉnh việc sử dụng điện nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng.
Đẩy mạnh lắp đặt
Nhận xét về công tác triển khai công tơ điện tử, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao nỗ lực của EVN và các đơn vị trong thời gian qua đã hiện đại hóa hệ thống đo đếm, đặc biệt một số đơn vị điển hình như Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ công tơ điện tử sẽ đạt 100%, EVN cần xây dựng kế hoạch phát triển công tơ điện tử cụ thể, phù hợp với từng tổng công ty/công ty điện lực.
Thứ trưởng cũng yêu cầu EVN bố trí nguồn lực đầy đủ cho chương trình phát triển công tơ điện tử giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, thống nhất giao thức truyền dữ liệu chung; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đẩy mạnh truyền thông để khách hàng sử dụng điện hiểu được những quy trình, quy định trong đo đếm điện năng cũng như lợi ích của công tơ điện tử…
Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, hiện nay, trên cả nước có 144 đơn vị đo kiểm độc lập. Lãnh đạo EVN kiến nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần tăng cường truyền thông, giúp khách hàng nắm bắt thông tin về công tác kiểm định, cũng như độ chính xác của công tơ, công tơ điện tử. Đồng thời, cần ban hành một chuẩn giao thức truyền dữ liệu thống nhất, để có thể lắp được các công tơ của các nhà sản xuất khác nhau trong cùng một trạm biến áp.
Hệ thống công tơ điện tử góp phần nâng cao tính minh bạch trong kinh doanh, bán lẻ điện; giảm thiểu những thắc mắc về mức tiêu thụ điện. Khách hàng cũng có thể giám sát lượng điện năng tiêu thụ hàng ngày, thậm chí hàng giờ. |