Hướng đi nào để chợ truyền thống ở Hà Tĩnh không bị 'tụt hậu'
Chợ truyền thống đang “tụt hậu”
Chợ TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) là chợ truyền thống có từ lâu đời, khoảng trên 180 năm. Năm 2000, chợ được đầu tư quy mô đình chính 2 tầng, có trên 2.100 hộ kinh doanh. Vừa qua, thành phố đã chỉnh trang chợ đảm bảo mỹ quan các ki ốt xung quanh chợ, bố trí chỗ đỗ xe ô tô ngoài hành lang khá tiện lợi.
Tuy vậy, thời gian gần đây, chợ TP. Hà Tĩnh nói riêng và chợ truyền thống trên địa bàn nói chung xuất hiện tình trạng bỏ ki ốt, đóng cửa kinh doanh.
Nhiều ki ốt ở chợ TP. Hà Tĩnh kinh doanh ế ẩm trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Trọng Tùng |
“Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ online hoặc các nền tảng thương mại điện tử, bán và giao hàng tại nhà. Điều này làm giảm lượng khách đến các chợ truyền thống”, chị Cẩm Tú (tiểu thương chợ TP. Hà Tĩnh) giãi bày với phóng viên Báo Công Thương.
Các ki ốt treo biển sang nhượng hoặc đóng cửa do không có người mua hàng. Ảnh: Trọng Tùng |
Theo các tiểu thương tại chợ, việc cạnh tranh với các mô hình kinh doanh hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, chuỗi bán lẻ… ngày càng phát triển, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, giá minh bạch, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với tiểu thương tại chợ.
Một số hộ đã kinh doanh từ lâu, tuổi đã cao nên không còn tiếp tục kinh doanh hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh khác phù hợp hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Tá Nghĩa - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết: Mặc dù tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn vẫn tăng trưởng hàng năm, nhưng do xu hướng tiêu dùng thay đổi, nhiều người dân lựa chọn mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hoặc qua các kênh thương mại điện tử, mua hàng giao tận nhà, khiến lượng khách đến chợ ngày càng giảm.
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - chỉ ra nhiều khó khăn đối với chợ truyền thống |
Việc ứng dụng công nghệ, chậm chuyển đổi số cũng là thách thức lớn đối với chợ truyền thống. Thời gian qua, gần như 100% các hộ tiểu thương tại chợ truyền thống trên địa bàn đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tuy vậy, việc tiếp cận, áp dụng các hình thức kết hợp bán hàng trực tiếp và online đang còn hạn chế.
“Tâm lý một số khách hàng, đặc biệt là giới trẻ ngại đến chợ, trả giá khi mua hàng ở một số chợ truyền thống, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh so với các mô hình hiện đại. Hình thức kinh doanh mới như livestream bán hàng, mua bán online đã ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là thói quen mua sắm, nhất là giới trẻ vì sự tiện lợi, nhanh chóng, giá minh bạch, mua bán 24/24 giờ hàng ngày, nên rất thuận tiện cho người tiêu dùng ban ngày bận rộn, tối đến mới vào mua hàng”, ông Nghĩa nhận định.
Phát huy lợi thế cạnh tranh riêng
Việc chợ truyền thống đang gặp khó khăn trong cạnh tranh với mua bán online là một thách thức lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, chợ truyền thống vẫn giữ được một số lợi thế, nhất là đối với mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả… và là nơi người tiêu dùng có thể trực tiếp xem, lựa chọn hàng hóa.
Tiểu thương cần phát huy những lợi thế có sẵn và thay đổi linh hoạt, thanh toán online ngay tại quầy. Ảnh: Trọng Tùng |
Để tồn tại và phát triển trong thời đại mua sắm trực tuyến bùng nổ, chợ truyền thống cần có những hướng đi chiến lược và linh hoạt. Tại các cơ sở kinh doanh phải luôn luôn sạch sẽ, thoáng đãng, hệ thống chiếu sáng tốt, an ninh trật tự. Hàng hóa được sắp xếp khoa học, dễ tìm kiếm, tạo lối đi rộng rãi.
Ngoài ra, việc thường xuyên tổ chức các phiên chợ đặc sản, ngày hội ẩm thực… cho phép khách hàng dùng thử, nếm thử sản phẩm để tạo niềm tin. Qua đó, giới thiệu hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Năm 2023 - 2024, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, cầm tay chỉ việc ứng dụng thực tiễn bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử (livestream bán hàng trên tiktok, shopee...). Đồng thời, tuyên truyền hộ tiểu thương sử dụng mã QR, thanh toán không tiền mặt để đáp ứng xu thế tiêu dùng hiện đại, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, giá trị của chợ truyền thống trong đời sống kinh tế - văn hóa cộng đồng.
Nhiều chợ truyền thống ở Hà Tĩnh đã được quy hoạch khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ảnh: Trọng Tùng |
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết thêm, thời gian tới, các tiểu thương sẽ được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý chợ, văn minh thương mại và chợ an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ngành chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá tại chợ nhằm minh bạch thông tin, giá hàng hóa tại chợ theo xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là trong kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử để tạo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng.
Hướng đi cho chợ truyền thống trong thời đại mới là sự kết hợp giữa việc bảo tồn những giá trị truyền thống và mạnh mẽ ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức kinh doanh. Sự linh hoạt, sáng tạo và tinh thần hợp tác là "chìa khóa" để chợ truyền thống tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa của xã hội. |