Theo đó, trong năm 2018 các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đã đạt và vượt so với kế hoạch (12/13 chỉ tiêu). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,11% so với năm 2017. Cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông nghiệp còn 12,%, phi nông nghiệp 88%; GRDP bình quân đầu người hơn 61 triệu đồng/người. Trong đó, ngành Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực, giá trị sản xuất công nghiệp tăng tăng trưởng gần 13,3%, nông nghiệp tăng 4,3%, thương mại – dịch vụ tăng 12,8%. Thu ngân sách tăng khá, gần 23.800 tỷ đồng (đạt 120,66% dự toán), trong đó thu nội địa đạt hơn 19.000 tỷ đồng (vượt 23,62% dự toán), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 4.405 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp; trình độ công nghệ, năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế; Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn.
Để phát triển đồng bộ và có hiệu quả thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và các chỉ tiêu đề ra, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng 9 nhóm giải pháp chủ yếu của năm 2019, gồm: Thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm chủ đạo với việc tập trung đẩy mạnh thu hút và triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư, nhất là tại khu vực ven biển.
Đặc biệt, tăng cường đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, Khu kinh tế mở Chu lai, phát triển đa dạng các ngành nghề công nghiệp với mục đích sử dụng nhiều lao động phổ thông đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp ở các doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị theo quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh Quảng Nam.
![]() |
Quảng Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực là hướng đi đột phá để phát triển trong năm 2019 |
Ngoài ra, đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức huy động, tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án FDI, khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất. Tập trung đầu tư những dự án trọng điểm, mang tính đột phá, có sức lan tỏa cao và bền vững nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển. Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; kiểm soát chặt nợ xây dựng cơ bản; tập trung thu hồi nguồn vốn nợ tạm ứng.
Việc chú trọng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi cũng được chú trọng trong thời gian tới với chủ trương tạo cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thuận lợi. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, phát triển chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản.
Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tất cả các địa phương phải lên kế hoạch hành động cụ thể, thực thi các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, chủ động cân đối khoản kinh phí trong dự toán ngân sách được giao để thực hiện nhiệm vụ. Quan trọng nhất là tăng cường trách nhiệm các chủ đầu tư, chính quyền địa phương, tăng cường kiểm soát trong việc đấu thầu, giải ngân, tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, siết chặt quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thiết lập kỷ cương thu chi ngân sách…
Những kế hoạch này cũng là cam kết của chính quyền trước người dân, cộng đồng doanh nghiệp về động lực phát triển của Quảng Nam. Năm 2019, Quảng Nam phấn đấu đạt 14 chỉ tiêu các chỉ tiêu chủ yếu năm 2019 do Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra-ông Thu cho biết thêm.