Hưng Yên: Nâng tầm sản phẩm OCOP

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 199 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP được công nhận là 3 sao, 4 sao.
Các sản phẩm OCOP mang đặc trưng địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng Hợp tác, hỗ trợ số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP có những điểm mới gì?

Nhìn theo góc độ nào cũng thấy sự thành công của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP)” của Hưng Yên, bởi sự bài bản từ chủ trương đến đồng bộ trong chỉ đạo, triển khai ở các cấp/ngành, thấm nhuần đến cơ sở.

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 199 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP được công nhận là 3 sao, 4 sao. Những sản phẩm đạt được danh hiệu trên đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện về tem, nhãn mác, truy suất nguồn gốc... Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Hưng Yên với sản phẩm OCOP

Nhãn lồng là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hưng Yên. Ảnh: N.Phương

Từ đó, tăng cường đầu tư công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm đạt chất lượng cao. Cùng với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, hiện còn có nhiều sản phẩm khác được thị trường ưa chuộng, đang được chuẩn bị hồ sơ, đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng trong thời gian tới.

Khơi dậy tiềm năng

Phù sa tích đọng ngàn đời đã cho Hưng Yên những cánh đồng vụ nối vụ lúa tốt bời bời, hoa màu cũng thế. Từ ngày lũ sông Hồng được kiềm chế, những vùng đất bãi ven sông quanh năm cây tốt tươi, bốn mùa quả chĩu cành. Tất cả hợp sức “cung phụng” cho người, phụ phẩm để chăn nuôi. Chuỗi làng nghề biến hạt gạo, củ khoai, thịt thà, cá sông thành những thực phẩm chất lượng, đẹp mã, đưa vào Kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội, các đô thị vệ tinh; thu gom các loại nguyên phế liệu từ lũy tre xanh, vườn tược, ao chuôm, qua các bàn tay khéo, sáng ý thổi hồn vào đồ thủ công mỹ nghệ, đưa tới bạn bè xa.

Toàn tỉnh hiện có 59 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 350 hợp tác xã nông nghiệp; 729 trang trại cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Đây là đội quân chủ lực - chủ thể trên trận tuyến mới.

Ngày mới, cùng với những cung đường mới mở, công nghệ mới, cơ hội càng mới, Chương trình OCOP hứa hẹn bước tiến mới…

Bước đi đầu tiên: Vùng nguyên liệu

Phong trào OCOP có gốc bền bởi cách làm mới. Không thể là vườn tạp, mỗi nhà một khoảnh, được chăng hay chớ. Việc xây dựng vùng nguyên liệu như một điều kiện tiên quyết được đặt ra. Hợp tác xã thương mại và dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng, Khoái Châu hiện có 4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP gồm: Bột nghệ, tinh bột nghệ, dầu lạc, tinh bột nghệ mật ong corri ổn định cả về số lượng và chất lượng…

Để có thành quả này là do hợp tác xã đã quy hoạch trên 4,2ha vùng nguyên liệu trồng cây nghệ, từ đó thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ theo hộ gia đình sang tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, nhờ đó đã nâng cao kỹ thuật, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến từ nguyên liệu đến chế biến thành phẩm.

Nhãn lồng Nễ Châu, Hồng Nam, TP. Hưng Yên, có 4 sản phẩm OCOP, trong đó, long nhãn và mật ong hoa nhãn hạng 4 sao, hạt sen và bột sắn dây hạng 3 sao. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu trong quá trình sản xuất, hợp tác xã đã liên kết với các xã viên và người dân trồng nhãn quanh khu vực nhằm chủ động, kiểm soát nguyên liệu.

Huy động tổng lực

Người dân vùng quê thoạt nghe đến OCOP cứ nghĩ là cao xa, song khi được chứng kiến tại quê nhà mới vỡ ra đó là sự giản dị được tạo ra bằng chính nghị lực của mình. Từ đó gợi mở để nhiều nơi đã rà soát xác định các hàng hóa có nguồn gốc địa phương, bảo đảm tiêu chuẩn cơ bản, nuôi dưỡng thành sản phẩm OCOP.

Sáng kiến nảy ra từ huyện Văn Giang. Vẫn là những cây quất được tỉa lá, uốn cành ngày nào rồi đưa vào thương trường bằng những bọc đất chằng chịt dây dợ. Khuân về lại loay hoay kiếm chậu sành, bưng bê chật vật, lấm lem đất cát mới có cây quất cảnh đón Tết. Nay, cũng tại vùng quất Văn Giang từng cây tùy kích cỡ, kiểu dáng được “gom” vào các loại chum, chậu, lọ mặc nhiên giá trị được tôn lên, cũng mặc nhiên được khách hàng “rinh” về nhà. Và thế là thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Có thể nói, phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn liền với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo tiền đề vật chất và tinh thần để thực hiện Chương trình OCOP. Và, chính thành công của Chương trình đã tạo động lực để hoàn thành các mục tiêu của phong trào xây dựng nông thôn mới cũng như tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Những huyện có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng là những địa bàn nổi trội về Chương trình OCOP, là bởi đều tập trung đầu tư hạ tầng vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm 2022, Khoái Châu đặt mục tiêu có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tới cuối năm toàn bộ mục tiêu đó đã đạt được. Toàn huyện có thêm 21 sản phẩm, trong khi đó đến năm 2022 mới có 9 sản phẩm đạt chuẩn này.

Để Chương trình OCOP thành công, sự quan tâm của tỉnh rất đáng trân trọng, hiệu quả. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã có nhiều chính sách đồng hành với các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Từ năm 2018 đến nay, ngân sách tỉnh hỗ trợ 5,5 tỷ đồng; ngoài ra còn được bổ sung bằng nguồn vốn lồng ghép của các sở, ngành, địa phương từ các chương trình, dự án…, đã hỗ trợ hơn 2 nghìn tỷ đồng cho chủ thể sản xuất để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm đạt chuẩn OCOP; hỗ trợ cho 4 hợp tác xã nâng hạng sản phẩm; hỗ trợ cho 39 hợp tác xã, tổ hợp tác về máy móc, cơ sở hạ tầng.

Điểm nhấn trong hỗ trợ là xúc tiến thương mại. Năm 2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đã tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng về OCOP, 12 hội nghị trực tuyến tập huấn về chuyển đổi số, quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp uy tín, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cho 6 mô hình phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP. Hưng Yên, các huyện Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ; đưa các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia “gian hàng trực tuyến” trên sàn giao dịch điện tử. Từ đó đã góp phần đưa nhãn lồng sang Mỹ. Bột nghệ tới Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông… Đã có các thương hiệu như nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo, chuối tiêu hồng, nghệ Chí Tân, mộc Đại Tập, vải trứng, tương Bần ào….

Thời vận mới, OCOP tiếp tục được triển khai trên tầm mức mới, mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng để phát triển nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh, góp phần vào phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh trong năm nay và những năm tiếp theo./.

Nguyễn Duy Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN - Phó Ban Truyền thông & Tổ chức sự kiện TW Hội bảo vệ người tiêu dùng VN
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: sản phẩm OCOP