Họp báo chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2017
Năm nay, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 2/5/2017 tại TP. Huế. Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của TP. Huế, một “Cố đô xanh - di sản thế giới - Thành phố an toàn và thân thiện”.
Theo UBND TP. Huế, rút kinh nghiệm qua 6 lần tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII sẽ thực hiện theo hướng xã hội hóa và công chúng hóa các hoạt động nhằm tiết giảm mạnh ngân sách nhà nước. Theo đó, Lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2017 gắn với chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra vào lúc 20h30 ngày 28/4/2017 và được truyền hình trực tiếp trên VTV2; chương trình bế mạc sẽ diễn ra từ 17h-21h ngày 1/5/2017.
Được biết, đến nay đã có 13 nhóm nghề và 58 đơn vị, cơ sở nghề đăng ký tham gia, trong đó TT. Huế có 33 cơ sở, làng nghề. Bên cạnh các làng nghề nổi tiếng như: Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Giang, Quảng Nam, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, … đồng hành cùng Festival nghề Huế nhiều năm qua, năm nay có thêm những làng nghề mới như dệt đũi xã Nam Cao (Thái Bình), dệt lanh thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình), gốm Mỹ Thiện (Quảng Ngãi), làng nghề gốm, thảm lục bình (Vĩnh Long)… Về phía quốc tế có trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống của các TP. Takayama, Saijo (Nhật Bản), Công ty thuê Shuiei (Nhật Bản), Công ty TNHH Lục Thuận Đại Tứ sa, TP. Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)…
Chằm nón Huế |
Trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2017, còn có lễ tế tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghệ nhân làng nghề, tổ chức bình chọn sản phẩm TCMN và đặc sản lần thứ nhất, tổ chức không gian giới thiệu ẩm thực 3 miền.
Đặc biệt, chương trình Hội tụ bản sắc châu Á - Giới thiệu các bộ sưu tập được thiết kế trên chất liệu vải truyền thống của các nhà thiết kế châu Á và Lễ hội Áo dài giới thiệu các bộ sưu tập của gần 20 nhà thiết kế Huế, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh diễn ra trên cầu Trường Tiền. Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài sẽ tổ chức không gian Làng Áo dài với cuộc triển lãm áo dài, trưng bày, giới thiệu nghề may áo dài truyền thống Huế; nghề vẽ, thêu trên áo dài; giới thiệu phim và giao lưu với các diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc…
Bên cạnh các hoạt động tôn vinh làng nghề truyền thống, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ. Như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai trương tổ chức các hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa hoàng cung Huế về đêm tại Đại Nội, Hội VHNT, nhà thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa Huế… tổ chức liên hoan diều, triễn lãm tranh ảnh, thư pháp, cổ vật, chương trình âm nhạc đường phố, biểu diễn võ cổ truyền, lễ hội khinh khí cầu, lễ hội bia… Các công ty du lịch cũng kết hợp giới thiệu các tour đến với những làng nghề, các điểm tham quan như: Tour du lịch trải nghiệm đúc đồng (phường Đức), nhà vườn Thủy Biều, Kim Long...