Sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Thừa Thiên - Huế luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng; trong đó, với vị trí nằm ở trung độ của cả nước, tỉnh có vai trò kết nối 3 miền Bắc - Trung - Nam, có bề dày về lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển qua dòng chảy gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, chứa đựng tinh hoa, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam; là nơi từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788-1802) và 143 năm với vương triều Nhà Nguyễn (1802-1945).
Thừa Thiên - Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 6 di sản riêng. Xác định vai trò, vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận quan trọng về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đặc biệt, ngày 10/12/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Triển khai các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo động lực phát triển mới không chỉ cho thành phố Huế mà còn đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước; bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở đó, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, ngày 9/9/2024, Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước đã họp và thống nhất thông qua với số phiếu tán thành đạt 100% (17/17 thành viên). Ban cán sự đảng Chính phủ đã xem xét, thống nhất và trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, đồng ý về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Huế, 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và 6 huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Quảng Điền, Phong Điền); có 141 đơn vị hành chính cấp xã (95 xã, 39 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2023 đạt 55,01% (680.164 người/1.236.393 người).
Cũng theo bà Trà, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời với thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, thành lập 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan.
Cụ thể, thành lập 2 quận (Phú Xuân, Thuận Hóa) thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở thành phố Huế hiện hữu.Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở nguyên trạng huyện Phong Điền. Nhập huyện Nam Đông với huyện Phú Lộc để thành lập huyện Phú Lộc mới.Thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp xã (2 phường, 1 thị trấn, 18 xã).
Như vậy, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã); có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn (giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm 17 xã và tăng 9 phường); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Thẩm tra Đề án trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ tạo sự chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế, tạo động lực phát triển mới cho địa phương mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa-du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.