Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023: Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm 2022
Kinh tế vĩ mô ổn định, các cán cân lớn được bảo đảm
Mở đầu họp báo, thông tin với báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳtháng 2/2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết:
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; Tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Chính phủ nhận định, tháng 2 là tháng đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; Tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi đáng chú ý. Tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục có những diễn biến mới. Giá dầu không ổn định. Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt; sức mua giảm sút từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Các tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn năm 2022.
Ở trong nước, nhìn chung thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Chúng ta cùng lúc phải chịu sức ép từ cả bên trong và bên ngoài.
Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Quá đó, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục đạt những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong 2 tháng, thu ngân sách nhà nước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm 2023 tăng 4,6%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt mốc 50 điểm, tăng từ 47,4 trong tháng 01 lên 51,2 điểm trong tháng 02 thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 |
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 5,1% so với tháng 1 và tăng 3,6% so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản xuất đồ uống tăng 52,3%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 37%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 30,3%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 23,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 21,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 21,2%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 21%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 17,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 17,4%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ hai tháng đầu năm 2023 tiếp tục xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), ước đạt 994,2 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 781,8 tỷ đồng, tăng 10,1%.
Xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm ước đạt 96,06 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD; vận chuyển hành khách tăng 34,3% và luân chuyển hành khách tăng 69,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,7% và luân chuyển hàng hóa tăng 20,3%; khách quốc tế đến nước ta ước đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm trước do các chương trình thu hút khách du lịch quốc tế được đẩy mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,3% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước cho thấy Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 8% và tăng 14,6%).
Tính đến ngày 20/02/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới vào Việt Nam đạt 1,76 tỷ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước; có 261 dự án cấp mới, gấp 1,4 lần. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Cấp 78 triệu thẻ căn cước có gắn chip cho công dân, tăng 2 triệu thẻ so với cuối năm 2022. Cổng dịch vụ công quốc gia có trên 177 triệu hồ sơ xử lý, tăng 23 triệu hồ sơ so với cuối năm 2022. Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt triển khai ở 61/63 tỉnh, thành phố.
Công tác quy hoạch tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quốc gia, tỉnh, ngành được ban hành: Quy hoạch tổng thể quốc gia, tỉnh Quảng Ninh; TP Hải Phòng; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình...
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động lớn đến nước ta. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 2 tháng giảm 6,3%. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. FDI thực hiện 2 tháng đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Du lịch sôi động trở lại nhưng chưa được như trước đại dịch. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, cần được tháo gỡ nhanh. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để...Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
"Trước những khó khăn, thách thức, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô rất lớn, Thủ tướng nhấn mạnh cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các bộ ngành, địa phương cần chủ động bám sát, nắm chắc, phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp phù hợp để điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước"- Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động triển khai các công việc trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 và Chỉ thị 03.
Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; chủ động giải quyết các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các vướng mắc về pháp lý, tinh thần là đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể; chủ động, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh, những vấn đề mới.
Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, mà trước hết là tập trung cho công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải có tầm nhìn xa, chiến lược, tư duy đột phá, đi trước một bước và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.
Thứ hai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách năm 2023; quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường hoạt động của 6 tổ công tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Tập trung rà soát, thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng quy định nhưng không được ách tắc.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; trước các vướng mắc thực tiễn, các vấn đề mà cuộc sống đặt ra thì phải ưu tiên giải quyết ngay.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống nhân dân theo tinh thần không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần để người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, đẩy mạnh hội nhập và đối ngoại.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, chú ý đấu tranh quyết liệt, phản bác thông tin xấu độc, thông tin giả, chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, từng ngành, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.
Nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất. Khơi thông thị trường liên ngân hàng. Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm an toàn thanh khoản và hệ thống. Chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Rà roát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường nói chung.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triển khai thu thuế với dịch vụ ăn uống và các cửa hàng bán lẻ. Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Phối hợp với các cơ quan để trình phương án sử dụng nguồn tăng thu hiệu quả, đúng luật pháp. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp để trình Chính phủ ban hành, giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn chương trình phục hồi và phát triển; phối hợp với NHNN nghiên cứu điều chuyển ngân sách của gói hỗ trợ lãi suất 2% cho phù hợp; đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; chủ trì sửa đổi Nghị định 27 về quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được, điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục; thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thúc đẩy phát triển, cơ cấu lại ngành công nghiệp, chú trọng các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững; đẩy nhanh các dự án công nghiệp lớn; theo dõi hình hình trong nước và thế giới, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại, mở rộng các thị trường tại Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin... Sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch điện VIII, sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, chương trình OCOP; thực hiện nghiêm việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) để sớm gỡ thẻ vàng EC; đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững, có thương hiệu...
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương trình phương án xử lý số dư 2,8 nghìn tỷ đồng sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; theo dõi sát, có giải pháp bảo đảm kết nối cung cầu lao động, phát triển thị trường lao động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, hội nhập; hỗ trợ người lao động mất việc, giảm giờ làm; tổng kết Nghị quyết 68, xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh...
Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tập trung xử lý triệt để, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong đó có việc hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt công tác chuẩn bị kỹ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, nhanh chóng hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tự chủ đại học. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan tham mưu việc hoàn thành chỉ tiêu tăng năng suất lao động trong năm 2023. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, tiếp tục thúc đẩy đàm phán để mở cửa các thị trường du lịch mới và mở cửa lại thị trường khách du lịch Trung Quốc.
Bộ Tư pháp chủ trì công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới của Quốc hội, những luật cần trình ban hành theo trình tự rút gọn. Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ Công an sớm hoàn thiện, trình dự thảo sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, các quy định, thủ tục tạo thuận lợi cho phục hồi du lịch và tháo gỡ vướng mắc về giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Bộ Ngoại giao góp phần triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế. Ủy ban Quản lý vốn chỉ đạo đẩy mạnh sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước và triển khai các dự án đầu tư lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường việc lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan tới tình trạng thiếu nguyên vật liệu tại các dự án cao tốc.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đẩy mạnh đầu tư phát triển, nhất là các dự án đầu tư mới có quy mô lớn, hiệu quả, lan tỏa cao, ứng dụng công nghệ, tập trung vào các ngành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Thủ tướng lưu ý các địa phương tập trung thực hiện tốt 5 công tác: Quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.