Thứ bảy 10/05/2025 11:29

Hơn 300 đại biểu tham dự hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ 3

Ngày 25/7/2018, tại tỉnh Quảng Ninh, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ 3. Hội nghị có sự tham dự của trên 300 đại biểu trong nước và quốc tế.  
Hội nghị là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng bức xạ và hạt nhân

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân tại Việt Nam, tạo diễn đàn để các nhà quản lý và các chuyên gia kỹ thuật của Việt Nam và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về những khó khăn, tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho các ứng dụng bức xạ và hạt nhân trên cả nước. Từ đó, hội nghị đề ra các giải pháp, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, nhìn lại hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trong thời gian vừa qua, chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được bổ sung và từng bước hoàn thiện; công tác cấp phép ngày càng được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp, giảm thủ tục hành chính; công tác thanh tra, đặc biệt là thanh chuyên đề đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, an ninh nguồn phóng xạ; cơ sở hạ tầng cho công tác ứng phó sự cố của Việt Nam đang dần hoàn thiện để có thể từng bước đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố bức xạ có thể xảy ra; công tác rà soát, đánh giá và thu gom các nguồn phóng xạ tại các cơ sở có nguy cơ mất an toàn, an ninh về lưu giữ tập trung cũng đã được tích cực triển khai nhằm ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ mất, thất lạc nguồn phóng xạ có thể gây tác động xấu tới môi trường và dư luận xã hội.

Mặc dù vậy, đến nay công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh hạt nhân của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế và trong chừng mực nào đó chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn an toàn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); các yêu cầu được đặt ra trong thực tiễn triển khai hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Việt Nam. Việc phối hợp của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với các sở khoa học và công nghệ ở 63 tỉnh thành cũng như với các ngành y tế, Công Thương, nông nghiệp... vẫn còn một số hạn chế. Công tác đảm bảo về an toàn bức xạ hạt nhân ở cơ sở chưa được chú trọng quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho biết, hiện nay, Quảng Ninh là địa phương đã ứng dụng bức xạ trong nhiều lĩnh vực từ y tế đến sản xuất. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, lãnh đạo tỉnh luôn chú trọng, quan tâm sâu sát kịp thời chỉ đạo công tác an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc thực hiện tốt chức năng cấp phép, thanh tra thì hàng năm Quảng Ninh cũng tiến hành hoạt động kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ tại các cơ sở, không để xảy ra mất an toàn. Tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, quản lý an toàn bức xạ; tăng cường hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức và quy định pháp luật về an toàn bức xạ hạt nhân, xây dựng năng lực ứng phó sự cố.

“Đây là diễn đàn thiết thực giúp các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân đánh giá, rút kinh nghiệm các hoạt động triển khai, tạo điều kiện để các địa phương trong cả nước trao đổi thông tin cũng như chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là với tổ chức quốc tế trong diễn đàn này” – ông Vũ Văn Diện nhấn mạnh!

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra từ ngày 25-27/7, các đại biểu sẽ thảo luận về các nội dung chính gồm: Công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân và ứng phó sự cố; Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân; Nghiên cứu, triển khai và dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Khoa học và Công nghệ