Hội thảo ngành dệt may Việt Nam năm 2045: Nơi tăng trưởng xanh gặp năng suất
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng 12% kim ngạch xuất khẩu của đất nước và đóng vai trò là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tham gia ở khâu gia công thuần túy với giá trị gia tăng và năng suất của ngành tính theo giá trị gia tăng còn rất thấp so với các quốc gia dệt may phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ.
Hội thảo ngành dệt may Việt Nam năm 2045: Nơi tăng trưởng xanh gặp năng suất. Ảnh: Hải Linh |
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng một trong những yếu tố chính dẫn đến giá trị gia tăng tạo ra thấp là do việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành dệt may còn rất hạn chế. Đồng thời, yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu về sản xuất xanh và trách nhiệm xã hội cũng đặt ra vấn đề cần phải giải quyết của ngành dệt may Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Xuân Hiệp – Đại học Dệt may Hà Nội cũng cho hay, ba năm trở lại đây ngành dệt may có nhiều cơ hội nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt nhu cầu tiêu dùng dệt may toàn cầu trồi sụt rất mạnh. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với những đối thủ xuất khẩu có nhiều lợi thế, như Bangladesh, Campuchia, Myanmar…Điều này buộc doanh nghiệp dệt may trong nước buộc phải tăng sức cạnh tranh để duy trì và mở rộng thị phần.
“Để làm được điều đó chúng ta phải biết lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay có thể kéo dài được đến bao giờ và yếu tố nào giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh đủ mạnh. Hội thảo ngày hôm nay sẽ giúp doanh nghiệp có câu trả lời ban đầu cho câu hỏi này”, ông Hoàng Xuân Hiệp nói.