“Hồi sức” cho doanh nghiệp: Không chỉ ở chuyện hoàn thuế VAT
Thời gian gần đây hàng loạt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp các lĩnh vực cao su, gỗ... đã gửi đơn thư kêu cứu về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nhiều tỷ đồng khiến doanh nghiệp thiếu hụt chi phí sản xuất, trả lương nhân công và thậm chí có doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh.
Cần tăng cường hơn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (Ảnh minh họa) |
Trong khi theo quy định về hoàn thuế VAT thì chỉ 40 ngày kể từ khi nộp đủ hồ sơ thì doanh nghiệp sẽ được hoàn trả tiền thuế chênh lệch đã đóng ban đầu. Hơn nữa, nếu chứng minh được việc chậm trễ hoàn thuế là do lỗi từ cơ quan quản lý thuế, thì ngoài số tiền phải hoàn trả, cơ quan thuế còn phải trả lãi với mức 0,03%/ngày, tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, sức khỏe đã bào mòn qua nhiều năm. Việc tiếp cận tín dụng cũng rất khó, mặc dù hạ lãi suất xuống nhưng các điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn để tiếp cận tín dụng cũng rất ngặt nghèo. Do đó, khoản tiền được hoàn thuế có ý nghĩa với doanh nghiệp. Đây là khoản tiền của doanh nghiệp ứng trước để nộp cho ngân sách nhưng khi hoàn lại, thủ tục lại khó khăn, có trường hợp còn vòng vo.
Thậm chí, trong một phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là vấn đề bức xúc được báo chí phản ánh nhiều, cử tri quan tâm, Quốc hội đã có nghị quyết. Chúng ta chống gian lận, chống sai sót nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn bởi trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn mà tiền của doanh nghiệp không được hoàn lại.
“Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cần tiến hành giám sát nội dung này, tổ chức phiên giải trình để làm rõ các số liệu, tình hình chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Không thể mãi kéo dài tình trạng này” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cần phải thấy rằng, quyết định hoàn thuế VAT trong những năm qua là chính sách đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ và trách nhiệm thực thi chính sách là của cơ quan chức năng, doanh nghiệp không phải đi xin hoàn thuế. Đồng thời, Quỹ để hoàn thuế giá trị gia tăng năm nào Quốc hội cũng bố trí trong dự toán ngân sách. Do đó, cần thiết phải sớm tháo gỡ tình trạng chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng.
Không chỉ có câu chuyện hoàn thuế VAT, nhiều khó khăn khác cũng đang bủa vây doanh nghiệp như các vướng mắc về thủ tục hành chính, thiếu vốn… khiến niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp.
Tính chung 6 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200 doanh nghiệp (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước); 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%); 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%). Như vậy, sau nửa đầu năm 2023 đã có 100.000 doanh nghiệp đóng cửa (16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng).
Các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân - một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta trong những năm qua đang suy yếu.
Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã “dũng cảm” đi ngược chiều với thế giới để thực hiện 3 đợt giảm lãi suất liên tục, đồng thời, cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, là những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, liều lượng của các chính sách kể trên, còn chưa đáp ứng được yêu cầu, và tiến độ còn chậm trễ. Trong khi, dư địa của các chính sách tài khoá - tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khoá của chúng ta còn lớn. “Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách khoan sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào” - ông Lộc nói.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, chúng ta cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, vấn đề trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải được phân định rõ như một kỷ luật thép, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan toả trong nền kinh tế.
Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn trong nền kinh tế như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp bị tắc nghẽn, khu vực doanh nghiệp nội địa đang suy kiệt, thì việc đổi mới chính sách, chủ động thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp có chất lượng cao từ nước ngoài vào Việt Nam, có khả năng liên kết liên doanh với doanh nghiệp Việt, trong bối cảnh mới, cũng không kém phần quan trọng.
Ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn cho biết, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Thị trường giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm dẫn đến hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có cơ chế xử lý, nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không chỉ cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động mà còn cần nguồn vốn cho đầu tư và tái cấu trúc như thực hiện việc chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ… Tuy nhiên, hiện lãi suất ngân hàng vẫn cao, nên việc điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, trở về mức hợp lý hơn sẽ là “động lực” quan trọng giúp doanh nghiệp sớm phục hồi.
Mặt khác, thủ tục để vay vốn, sự chênh lệch lãi suất giữa các doanh nghiệp vay, việc định giá tài sản của doanh nghiệp các ngành còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp vay vốn bị thiệt thòi… “Tôi kiến nghị cần phải có trần lãi suất huy động để làm sao lãi suất cho vay khoảng 5-6%/năm, biên độ từ 2-3% thì doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận” - ông Lê Văn Hiệp chia sẻ.
Thiết nghĩ, các chính sách “hồi phục” doanh nghiệp thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực hồi phục thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế.