Hội nghị triển khai tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam khu vực Đông Bắc
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Văn hóa kinh doanh là một bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh và một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam – Bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được các Ban, Bộ, ngành tham gia xây dựng. Trong quá trình xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà khoa học; các chuyên gia, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và báo chí, truyền thông, đã được công bố và ban hành ngày 14/7/2022.
Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam sẽ là cơ sở, tạo niềm tin cho cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh |
Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông. Bộ tiêu chí sau khi hoàn thành đã được báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.
Trong thời gian qua Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đã được tổ chức triển khai tại khu vực Tây Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam cho biết, ngay sau khi Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam được ban hành, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (BTC 248) Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và các địa phương đăng cai, đã tổ chức Hội nghị triển khai với 13 tỉnh Tây Nam Bộ tại Đồng Tháp ngày 19/4/2022, 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng tại Hải Phỏng ngày 26/5/2022.
Ông Hồ Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Tiếp nối các sự kiện, theo ông Hồ Anh Tuấn: " Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam tại Quảng Ninh với 8 tỉnh Đông Bắc được tổ chức nhằm vận động các doanh nghiệp hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam để xây dựng một đội ngũ doanh nhân, một lực lượng doanh nghiệp kinh doanh với những chuẩn mực văn hóa văn minh, hội nhập, góp phần xây dựng kinh tế bền vững. Đó cũng là hình ảnh của địa phương, hình ảnh của quốc gia"
Quảng Ninh nằm ở địa đầu phía Đông Bắc của đất nước, là tỉnh có các điều kiện về tự nhiên, xã hội đa dạng và phong phú; được Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như một Việt Nam thu nhỏ.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, với các giải pháp đồng bộ, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nỗ lực triển khai và hoàn thành tốt toàn diện mọi nhiệm vụ, mọi lĩnh vực. Trở thành một cực tăng trưởng toàn diện của phía bắc.
Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015; năm 2021 đạt 10,28% (đứng thứ hai cả nước); 9 tháng đầu năm 2022 đạt 10,12%; Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 đạt trên 11%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng đạt trên 40 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán, tăng 21% cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh chủ động đi đầu cả nước mở cửa du lịch mạnh mẽ, đến thời điểm (từ 15/3/2022) góp phần phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch với tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 9,17 triệu lượt, gấp 3,55 lần so cũng kỳ, đứng thứ hai cả nước. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 14,47%, là ngành đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng GRDP chung với 4,48%.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng đạt 1.975 triệu USD, tăng 8,34% cùng kỳ. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được ghi nhận, dần trở thành thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh. Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 5 năm liên tiếp (từ 2017-2021) giữ vị trí quán quân; Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhu và triê vụ hành chính nhà nước 03 năm liên tiếp (từ 2019-2021) đứng thứ nhất…
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tích cực phối hợp với các tỉnh trong vùng và cả nước, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam |
“Những kết quả trên thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với tỉnh Quảng Ninh; là sức mạnh to lớn để địa phương vượt qua mọi khó khăn, lực cản và thực hiện hoá khát vọng phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư”- bà Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh.
Đến nay, Quảng Ninh Quảng Ninh thu hút được trên 17.600 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với số vốn đăng ký trên 390.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn trên doanh nghiệp đạt 17 tỷ đồng/1 doanh nghiệp, tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2015; 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.909 đơn vị thành lập mới, tăng 20% cùng kỳ với số vốn đăng ký 16.825 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ; có 899 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ; 1.335 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng tăng 24% so với cùng kỳ; nhưng cũng có 437 doanh nghiệp giải thể, tăng 15% so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đóng góp ngân sách nhà nước trên 25.190 tỷ đồng, đạt 118% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước đóng góp trên 10.955 tỷ đồng, đạt 109% so với cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp trên 3.480 tỷ đồng, đạt 100% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam sẽ đảm bảo xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững, phát triển hài hoà dựa trên các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với yếu tố cốt lỗi là “Văn hoá”, hoặc bản qua đó thực hiện “Khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra”, đồng thời góp phần quá trình phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Với ý nghĩa đó, thay mặt lãnh đạo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tích cực phối hợp với các tỉnh trong vùng và cả nước, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Tại Hội nghị đã diễn Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa Ban tổ chức 248 và Lãnh đạo UBND 08 tỉnh, thành phố tại khu vực Đông Bắc. Bên cạnh đó, Ban tổ chức Hội nghị cũng đã giới thiệu 10 doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam được công nhận năm 2021, tổ chức tọa đàm “Văn hóa với thực thi chiến lược” với sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tâp đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Ao Vua và đại diện Bộ Công Thương.