Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 4 sẽ họp vào ngày 15/11
Theo đó, các nhà lãnh đạo của 15 quốc gia tham gia RCEP sẽ tham dự hội nghị này và không có sự tham gia của Ấn Độ. Đây là hiệp định đầu tiên bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán RCEP lần đầu tiên bắt đầu vào năm 2013 giữa 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. 16 nước tham gia đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 giữa các nhà lãnh đạo vào tháng 11 năm ngoái với mục đích đạt được một thỏa hiệp. Nhưng Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán vì lo ngại thâm hụt thương mại đang gia tăng, một động thái đã làm trì hoãn một thỏa thuận cuối cùng. Ấn Độ đã tham gia các cuộc đàm phán ban đầu của RCEP với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Tokyo đã duy trì lập trường Ấn Độ nên tham gia vào hiệp định này. Mặt khác, các quốc gia ASEAN đang kêu gọi sớm đạt được một thỏa thuận vì sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc giảm thuế quan của Trung Quốc. Ấn Độ không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ quay lại bàn đàm phán.
Năm nay, hội nghị thượng đỉnh RCEP được tổ chức trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các cuộc họp liên quan, diễn ra trong 4 ngày đến hết ngày 15 tháng 11. Nếu được thành hiện thực, RCEP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất ở châu Á. RCEP sẽ giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời đặt ra các quy tắc về truyền dữ liệu. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp ở các nước thành viên, đặc biệt những nước có quan hệ thương mại lớn và là những đối tác thương mại lớn của nhau.