Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 3/2023: 3 nhiệm vụ lớn
Tìm hướng thúc đẩy xuất khẩu
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ:
Thứ nhất, đánh giá tình hình, nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng xuất khẩu khó khăn như hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu ít nhất bằng năm 2022.
Thứ hai, Thương vụ tập trung dự báo tình hình tinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho Bộ, Chính phủ đảm bảo lợi ích của quốc gia, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Thứ ba, đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Thông tin từ Thương vụ
Tại Hội nghị đại diện nhiều Thương vụ đã báo cáo cập nhật thông tin thị trường nước sở tại. Về thị trường Hoa Kỳ - Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho biết, năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì động lực tăng trưởng đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.
Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ tập trung ở phương diện khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hai nước, hạn chế tác động tiêu cực, dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan; xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm…
“Với mục tiêu hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan của Hoa Kỳ; theo dõi chặt chẽ diễn biến các vụ việc để kịp thời cập nhật thông tin, gửi thông báo, báo cáo những vấn đề phát sinh trong chính sách điều hành của Hoa Kỳ”, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết.
Theo bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Theo số liệu sở tại, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thuỷ sản giảm 26%, da giày ghi nhận tăng trưởng tới 122% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nông sản cũng có tốc độ tăng trưởng tốt, ở cả nhóm rau củ quả, gia vị và gạo. Gỗ nội thất cũng có xu hướng phục hồi so với 2022.
Bà Trần Thu Quỳnh cũng cảnh báo một số lĩnh vực mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng lớn trong thời gian tới. Cụ thể, mặt hàng thuỷ sản sẽ bị cạnh tranh mạnh hơn nữa từ các đối thủ cạnh tranh sắp có/ có hiệp định thương mại tự do song phương với Canada: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ; mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ cạnh tranh vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, El Salvador, Haiti, Ai Cập...; mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời có nhiều nguy cơ nếu Hoa kỳ quyết định áp thuế chống bán phá giá sản phẩm này của Trung Quốc và các nước sử dụng đầu vào từ Trung Quốc.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023 |
Đối với thị trường EU, bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, EU tập trung thực hiện quy định về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, điều này sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như gạo, các loại hạt, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.
Tương tự, ông Nguyễn Cảnh Cường- Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh khuyến cáo, chiến lược maketing của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Anh chưa phù hợp cả về hình ảnh, ngôn ngữ. Cụ thể, doanh nghiệp không có website phù hợp, tên doanh nghiệp quá dài, sử dụng email miễn phí… nên ít nhận được quan tâm của nhà nhập khẩu Anh. Ông cũng đề nghị, doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường nhanh, hiệu quả.
Thị trường Trung Quốc nhận được sự quan tâm của các đại biểu, nhất là doanh nghiệp và địa phương. Ông Nông Đức Lai- Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc bày tỏ, từ khi mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại có thuận lợi nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, cạnh tranh hàng hoá sẽ lớn hơn rất nhiều so với thời gian trước; Trung Quốc kiểm soát ngày một chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trên cơ sở đó, ông Nông Đức Lai cũng đưa ra nhiều lưu ý: Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, các Bộ, ngành liên quan và địa phương có đường biên giới với Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh thâm nhập vào trong nước nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, nhất là chi nhánh Thương vụ tại Nam Ninh và Côn Minh theo dõi chính sách của địa phương với thương mại cư dân biên giới.
“Với tiềm năng gia tăng xuất khẩu mặt hàng chế biến, đề nghị doanh nghiệp thuỷ sản, gia vị trong nước quan tâm tìm kiếm cơ hội cung ứng và hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực này”, ông Nông Đức Lai nói.
Đề xuất của hiệp hội ngành hàng, địa phương
Tại Hội nghị, các hiệp hội ngành hàng cũng trình bày hiện trạng sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp, điểm chung là bức tranh không mấy khả quan.
Bà Tô Tường Lan – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đánh giá, xuất khẩu thuỷ sản tháng 3 giảm mạnh ở tất cả các thị trường, trong đó thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm 23,5%, Hoa kỳ giảm 55%, EU giảm 30%, thị trường Trung Quốc giảm ít nhất với 11%.
Nguyên nhân được xác định do 3 yếu tố: Lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ đã thắt chặt tín dụng khiến nhà nhập khẩu không đủ kinh phí để nhập khẩu lô hàng lớn. Đối tác cơ cấu lại kho hàng khiến giá nhập khẩu giảm mạnh, thiếu đơn hàng. Cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số đối thủ đã chiếm thị phần của thuỷ sản Việt Nam.
Tương tự với ngành cà phê, ca cao, ông Nguyễn Xuân Hiệp- Chánh văn phòng Hiệp hội cà phê- ca cao Việt Nam cũng thông tin, xuất khẩu cà phê, ca cao 3 tháng đầu năm 2023 giảm 9,9% về lượng, 1,7% về giá trị. Doanh nghiệp trong nước mua hàng rất khó khăn do người nông dân và doanh nghiệp FDI trữ hàng chờ giá cao mới bán ra. Giá thu mua trong nước cao trong khi giá xuất khẩu không ổn định, thậm chí giảm mạnh.
Trước những khó khăn đang gặp phải, đại diện các hiệp hội ngành hàng đề xuất Cục xúc tiến thương mạivà hệ thống Thương vụ hỗ trợ triển khai các hoạt động nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt ưu tiên cho thị trường Trung Quốc.
Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật thông tin thị trường giúp doanh nghiệp xuất khẩu nắm rõ và điều chỉnh sản phẩm trước khi xuất khẩu.
Về phía địa phương, trước hiện trạng xuất khẩu thanh long của Bình Thuận đang gặp phải, ông Biện Tấn Tài- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, đề xuất một số giải pháp như: Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc hỗ trợ địa phương xuất khẩu chính ngạch thanh long sang thị trường này; Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu thanh long sang nhiều thị trường, tiêu điểm là thị trường Úc; Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng xử lý vi phạm quản lý mã số vùng trồng, đóng gói đề đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu...