Chủ trì Hội nghị, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và đây là quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Luật báo chí (sửa đổi). Quốc hội khóa 14 đưa dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Dự án Luật về Hội vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2016. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc ban hành 2 dự thảo Luật này là rất cần thiết để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền lập Hội của công dân và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận, có nhiều ý kiến thiết thực, xác đáng vào 2 dự án luật nêu trên, góp phần vào thành công của hội nghị.
Tại hội nghị, thảo luận vào dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo các đại biểu cho rằng cần quy định quản lý sử dụng nguồn thu từ tổ chức lễ hội; quy định người đại diện Ban quản lý phải sử dụng nguồn thu đúng, công khai minh bạch. Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, các đại biểu đề nghị bổ sung một hành vi nữa là “hành vi kích động tín ngưỡng tôn giáo, gây kích động bạo động, mê tín dị đoan”.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, tôn giáo thường là xuất phát điểm của những xung đột và chiến tranh của các nước trên thế giới. Ngoài 6 tôn giáo được Nhà nước thừa nhận thì hiện có nhiều tôn giáo vẫn đang hoạt động, nhiều đạo vẫn đang len lỏi tuyên truyền nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.
“Phải làm rõ quản lý nhà nước ở cấp xã, phường hiện nay. Bởi tổ chức quản lý nhà nước từ Trung ương đến tỉnh rất chặt, có Sở Nội vụ, có bộ phận phụ trách tôn giáo. Cấp huyện xã thì kiêm nhiệm khiến phức tạp, không quản lý hết hoạt động tôn giáo. Tôi đề nghị phải quy định rõ vai trò của chính quyền cấp xã trong việc quản lý tôn giáo vì tôn giáo gắn với người dân, gắn với xã phường và cũng là nơi xuất phát điểm các vấn đề diễn biến tư tưởng”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị.
Theo chương trình Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày mai (9/9).