Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 55): Quản trị rủi ro trong giao dịch hàng hóa
Trong bất kỳ hoạt động đầu tư nào, lợi nhuận luôn tỷ lệ thuận với rủi ro. Trên thị trường giao dịch hàng hóa, với đặc tính T0 và tính đòn bẩy cao, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận “khủng” so với số vốn nhỏ ban đầu. Nhưng cùng với đó, nhà đầu tư có thể đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có thời gian cũng như kinh nghiệm cập nhật tin tức thị trường và quản lý danh mục đầu tư. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải nắm vững kiến thức và có những phương pháp quản trị rủi ro hiệu quả khi bước chân vào thị trường.
Trong đó, bạn Nguyễn Hoàng Hà (Hà Nội) hỏi: “Khi tham gia giao dịch hàng hóa, tôi có thể gặp phải các rủi ro nào?”. Bạn Đặng Minh Khôi (Nha Trang) hỏi: “Tôi có thể dùng những cách nào để tránh rủi ro khi giao dịch hàng hóa?”. Trong số hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa hôm nay, Báo Công Thương sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn đọc xoay quanh vấn đề này.
Các rủi ro có thể gặp khi giao dịch hàng hóa
Trong giao dịch hàng hóa, nhà đầu tư có thể gặp phải hai loại rủi ro chính, bao gồm: rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động.
Rủi ro thị trường bao gồm 6 loại rủi ro sau:
Rủi ro thanh khoản: là rủi ro xảy ra khi thanh khoản rất thấp, nhà đầu tư thực hiện mua/bán hợp đồng hầu hết ở một bên và không có lệnh chờ đối ứng.
Rủi ro biến động giá: là rủi ro xảy ra khi giá của các hợp đồng hàng hóa biến động hàng ngày trong phiên giao dịch. Đặc biệt có thể biến động mạnh đối với những ngày có sự kiện lớn trên thị trường.
Rủi ro chênh lệch giá: là rủi ro xảy ra do sự chênh lệch giá giữa giá của tài sản cơ sở và mức giá của hợp đồng kỳ hạn.
Rủi ro chuyển vị thế: là rủi ro xảy ra khi nhà đầu tư thực hiện chuyển vị thế đang nắm giữ (rủi ro khi chuyển vị thế sát ngày đáo hạn, chênh lệch giá giữa hợp đồng đáo hạn và hợp đồng mới).
Rủi ro ký quỹ: là rủi ro xảy ra khi có sự thay đổi tăng ký quỹ của hợp đồng mà nhà đầu tư đang giao dịch.
Rủi ro tỷ giá: là rủi ro xảy ra khi có sự biến động của tỷ giá đồng tiền niêm yết các hàng hóa trên các Sở Giao dịch hàng hóa liên thông so với Việt Nam đồng.
Đối với rủi ro hoạt động, đây là các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động hàng ngày như đặt nhầm lệnh hoặc lỗi hệ thống, lỗi kết nối, không có phương án dự phòng, không nắm rõ cơ chế hay phương thức hoạt động của công cụ giao dịch và thị trường...
Quản trị rủi ro trong giao dịch hàng hóa
Để hạn chế rủi ro trong quá trình giao dịch hàng hóa, nhà đầu tư có thể sử dụng một số biện pháp như:
Thứ nhất, tìm hiểu rõ đặc tả của hàng hóa, từ đó lựa chọn mặt hàng giao dịch phù hợp với chuyên môn, năng lực tài chính, kế hoạch kinh doanh cũng như khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Thứ hai, cập nhật diễn biến thị trường thường xuyên và đều đặn; lựa chọn phương pháp tiếp cận và giao dịch khoa học, tuân thủ các quy tắc trong giao dịch.
Thứ ba, các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư doanh nghiệp cần kiểm soát quy trình và tránh tạo lỗ hổng trong quản lý giao dịch.
Thứ tư, liên tục đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro đồng thời xây dựng phương án và lựa chọn chiến lược giao dịch và sử dụng dòng tiền phù hợp.
Thứ năm, không ngừng thực hành, làm quen với các hệ thống giao dịch demo và quan sát thời gian hợp lý để có tâm lý vững vàng trước các biến động của thị trường.
Thứ sáu, đa dạng hóa danh mục đầu tư, hiểu rõ các hình thức lệnh giao dịch, tham khảo một số sự hỗ trợ từ các đội ngũ giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp.
Ngoài ra, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam(MXV) cũng đã xây dựng, triển khai rất nhiều công cụ quản trị rủi ro, đồng thời đưa ra những khuyến nghị khi thị trường biến động. Các nhà đầu tư sẽ được các thành viên của MXV hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết sau khi mở tài khoản và tham gia giao dịch.
Bạn đọc có câu hỏi liên quan đến vấn đề giao dịch hàng hóa vui lòng gửi về email: baodientubct@gmail.com hoặc info@mxv.vn. |