Hoàn thiện quy định về quản lý chung cư mini, đảm bảo an toàn cho người dân
Chiều ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Phát biểu tranh luận với các Đại biểu Quốc hội nêu ra trước đó về vấn đề chung cư mini, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, với hệ thống pháp luật hiện nay thì hoàn toàn có thể xử lý vấn đề chung cư mini nếu có kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Do đó, ông Nghĩa đề nghị không đặt ra vấn đề sửa luật để hợp thức hóa các chung cư mini có dấu hiệu vi phạm.
Trong phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu tỉnh Hải Dương) cho rằng, cơ quan nhà nước cần quản lý chặt chẽ loại hình chung cư mini để đáp ứng nhu cầu của bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thấp. Cần “lấp đầy lỗ hổng pháp lý” trong quản lý chung cư mini hiện nay, làm rõ trách nhiệm của các ngành chức năng và phải sửa luật nhà ở trong thời gian tới.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng cần kịp thời khắc phục tình trạng buông lỏng trong quản lý, vận hành chung cư mini như thời gian vừa qua |
Về vấn đề này, Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Đại biểu tỉnh Bình Định), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị bổ sung giải pháp về thể chế. Kịp thời cập nhật các vấn đề của thực tiễn phát sinh, cầu thị, lắng nghe ý kiến đa chiều để hoàn thiện tối đa theo quy định về loại nhà ở này trong dự thảo luật tại Điều 57.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã có một số nội dung quan trọng về loại nhà ở này.
Thứ nhất là quy định đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng hơn để tiếp tục bảo vệ, bảo đảm quyền phát triển nhà ở là chung cư mini của người dân, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn khách quan. Loại nhà ở này đã được phát triển hơn 10 năm nay và hiện có hàng chục nghìn khu nhà trên cả nước. Tuy nhiên, phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất có thể cho cuộc sống của người dân, phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên trên hết.
Dự thảo đã phân loại để quản lý theo tiêu chí chính - quy mô căn hộ. Đối với nhà ở có quy mô từ 20 căn hộ trở lên thì khi xây dựng phải đảm bảo các điều kiện về chủ đầu tư cũng như trình tự, thủ tục thực hiện rất chặt chẽ. Còn đối với nhà ở quy mô dưới 20 căn để cho thuê thì yêu cầu thấp hơn: tuân thủ các yêu cầu về quy chuẩn xây dựng, phải có thiết kế, phải được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy... Đồng thời, bổ sung quy định về quản lý vận hành loại chung cư này, đảm bảo trật tự, an toàn và thuận lợi đối với không gian sống của người dân.
Hai là bổ sung quy định về chuyển tiếp để đảm bảo không hợp pháp hóa các vi phạm liên quan đến chung cư mini; bổ sung quy định về trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong vấn đề thanh tra, kiểm tra đối với việc vận hành loại nhà này.
“Chúng tôi cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng, trong đó chủ trì là Bộ Xây dựng tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, kịp thời khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý thời gian vừa qua, khắc phục các sai phạm như không phép, không theo quy hoạch, không đảm bảo quy chuẩn, nhất là về PCCC”, Đại biểu Ba nói.
Cuối cùng Đại biểu Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh: Để pháp luật đi vào cuộc sống thì ngoài quy định pháp luật phù hợp, cần phải có một bộ máy thực thi pháp luật đủ mạnh và tinh thần thượng tôn pháp luật của các chủ thể liên quan. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầy đủ vấn đề này trong quá trình triển khai các đạo luật nói chung cũng như Luật Nhà ở, trong đó có các quy định về chung cư mini nói riêng.