Thứ ba 05/11/2024 09:25

Hoàn thiện khung khổ pháp lý phát triển thị trường khí Việt Nam

Việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động kinh doanh khí đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị trường khí của Việt Nam.

Thị trường khí Việt Nam đang vận hành ra sao?

Chia sẻ tại Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam: Xây dựng thị trường khí Việt Nam cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương thông tin, hiện nay, nước ta đã hình thành các hệ thống đường ống vận chuyển khí thiên nhiên như: Đường ống Thái Bình - Tiền Hải dài 24 Km; Đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố dài 116Km; Đường ống Nam Côn Sơn 1 dài 371Km; Đường ống Nam Côn Sơn 2 dài 278,2 Km; Đường ống PM 3- Cà Mau dài 325Km. Các nhà máy xử lý khí gồm: Nhà máy xử lý khí Dinh Cố; Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn; Nhà máy xử lý khí GPP Cà Mau…

Thị trường khí Việt Nam đã phát triển khá mạnh thời gian qua

Bên cạnh đó, cả nước có tổng cộng 53/63 tỉnh thành có kho/trạm khí dầu mỏ hóa lỏng LPG, phân bố rộng khắp cả nước. Trong đó, hệ thống kho chứa Thị Vải với công suất tồn chứa LPG lạnh 60.000 tấn do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư đưa vào vận hành từ ngày 20/3/2013 là kho chứa LPG lạnh lớn nhất Việt Nam hiện nay, cho phép PV GAS có giải pháp tàng trữ LPG với khối lượng lớn, tăng khả năng cung cấp LPG về lâu dài, ổn định nguồn cung trong nước, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia. Còn lại, toàn quốc hiện có khoảng 30 kho LPG đầu mối, nhưng sức chứa chỉ đạt từ 500 - 4.000 tấn/kho.

Về kho chứa LNG, ở Việt Nam việc sử dụng khí LNG còn hạn chế, hiện mới chỉ có duy nhất 02 kho đang xây dựng chuẩn bị đưa vào vận hành tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra còn có gần 10 kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc.

Nhìn chung, mạng lưới 54 kho LPG đầu mối và tuyến sau trải dài khắp 3 miền của đất nước đã đảm bảo kênh phân phối LPG hoạt động trơn tru, không bị đứt gãy nguồn cung khi xảy ra các sự cố cục bộ, khách quan. 26 doanh nghiệp đầu mối có chức năng xuất nhập khẩu, phân phối khí đã tăng tính cạnh tranh của hệ thống cung ứng khí đốt, tạo nên thị trường sôi động, lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh khí ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhược điểm là hiện nay, LPG ở Việt Nam được sử dụng chủ yếu cho dân dụng hoặc cho ngành công nghiệp (công nghiệp xử lý thực phẩm, làm giấy, hạt nhựa, chất nổ, chất làm lạnh…), các ứng dụng khác từ sản phẩm LPG còn thấp (như: sử dụng LPG để làm SNG; sử dụng LPG trong công nghệ hóa dầu vẫn còn rất hạn chế), do vậy sản lượng tiêu thụ LPG hiện nay còn rất thấp. Dẫn đến quy mô hệ thống kho cảng LPG chủ yếu là kho cảng nhỏ, năng lực nhập hàng từ các tàu có trọng tải lớn còn hạn chế;

Nhược điểm của hệ thống kho LNG là tồn chứa LNG ở nhiệt độ âm (bể chứa LNG thiết kế ở nhiệt độ -170 o C), công nghệ và thiết bị phức tạp, còn mới, ở Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng và vận hành, vốn đầu tư lớn. Tàu vận tải LNG thông thường có dung tích lớn, đòi hỏi phải có các cảng nước sâu để tiếp nhận tàu LNG, đây là khó khăn khi xây dựng kho LNG tại Việt Nam.

Việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho LNG đến các khách hàng công nghiệp và dân dụng cũng gặp nhiều khó khăn về quy hoạch do thiếu đồng bộ khi các khu công nghiệp được quy hoạch chưa tính đến dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.

Diễn đàn phát triển thị trường khí thu hút rất nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý

Ông Đỗ Trọng Hiếu, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ, thị trường kinh doanh khí đang tồn tại một số vấn đề nổi cộm, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp cần sớm có giải pháp điều chỉnh trong thời tới nhằm giúp hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch hơn.

Cụ thể, còn tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ khí, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng. Theo thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện nay có đến 30% lượng chai LPG của các thương hiệu đang bị thu giữ, chiếm đoạt, thậm chí bị hủy hoại trái phép.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh LPG chai, trạm chiết nạp LPG vào chai chưa có quy định cụ thể trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG dẫn đến khó kiểm soát hoạt động kinh doanh.

Thêm nữa, còn tồn tại một số loại hình thương nhân kinh doanh LPG đang hoạt động trên thị trường nhưng chưa được điều chỉnh trong Nghị định; một số quy định chưa thống nhất và rõ ràng về điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân như: thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh mua bán khí.

Quy định về thuê chai LPG, nhãn hiệu hàng hóa chai LPG đã và đang gây cản trở cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu LPG chai… gây mất an toàn cho người tiêu dùng và tạo sự bất ổn trên thị trường khí.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam nêu thực trạng, nguồn cung khí nội địa đang suy giảm (còn 7 tỷ m3 vào năm 2025), nhu cầu ngày càng tăng cao lên đến hơn 20 tỷ m3 vào năm 2030. Xu thế nhập khẩu khí LNG là tất yếu để phục vụ nhu cầu của thị trường. Dự báo, nguồn cung khí cho thị trường Việt Nam trong tương lai phụ thuộc hoàn toàn nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, khách hàng điện và công nghiệp có xu hướng chuyển từ tiêu thụ khí nội địa sang khí nhập khẩu khi nguồn cung cho sản xuất LPG trong nước có xu hướng giảm.

Nhìn chung, thời gian qua, Nghị định số 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí đã giúp mở rộng nhiều thành phần kinh tế tham gia. Tuy nhiên, do nhiều quy định chưa cụ thể và không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay đã dẫn đến bất cập trong quản lý, giám sát, thực thi. Đồng thời, vẫn còn hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, quyền lợi khách hàng.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thị trường khí

Trên cơ sở báo cáo đánh giá thực hiện về kinh doanh khí và đề nghị của Bộ Công Thương, ngày 14 tháng 7 năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí theo quy trình, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (từ năm 2022-2023).

Ông Đỗ Trọng Hiếu chia sẻ, để đảm bảo hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch trong thời gian tới, việc hoàn thiện khung pháp lý được Bộ Công Thương xác định cần đáp ứng được các yêu cầu như: Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thu hút các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào hoạt động kinh doanh khí.

Bên cạnh đó, thiết lập thị trường khí cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo lập hệ thống phân phối khí gắn kết, hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước những biến động thị trường của các mặt hàng năng lượng quốc tế và tình hình bất ổn chính trị trên thế giới, đảm bảo phát triển bền vững thị trường khí của Việt Nam trong thời gian tới.

Đáp ứng yêu cầu về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quy định pháp luật; ngăn chặn, phòng chống những hành vi tiêu cực, gian lận, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh khí, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh LPG chai. Đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.

Theo đó, một số nội dung chính về pháp lý đối với hoạt động kinh doanh khí cần giải quyết là, thứ nhất, xây dựng đồng bộ các loại hình thương nhân kinh doanh khí theo hướng bảo đảm các thương nhân kinh doanh khí được điều chỉnh đầy đủ và rõ ràng, gắn với từng khâu trong chuỗi kinh doanh khí từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối đến khách hàng, người tiêu dùng và các hoạt động dịch vụ kinh doanh khí, bảo đảm an toàn kỹ thuật và yêu cầu phòng cháy chữa cháy.

Thứ hai, loại bỏ, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân kinh doanh khí. Quy định quyền và nghĩa vụ của các thương nhân kinh doanh khí phải đáp ứng yêu cầu: rõ ràng, khả thi, dễ thực hiện và phù hợp với nguồn lực của thương nhân kinh doanh khí. Đồng thời, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh khí.

Thứ ba, xây dựng chính sách quản lý hoạt động kinh doanh LPG chai theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và dịch vụ kinh doanh LPG chai và chai LPG nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng chai LPG, chiết nạp LPG lậu và cung cấp LPG chai giả.

Ông Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ thêm, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng khí trong nước, việc nghiên cứu, định hướng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng khi đốt đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ đối với lĩnh vực kinh doanh khí mà còn cho cả nền kinh tế.

Theo đánh giá, sau gần 20 năm khai thác, từ năm 2018, các nguồn khí trong nước sẽ suy giảm dần, trong khi nguồn khí bổ sung từ các mỏ mới tại các khu vực có nguồn khí suy giảm không nhiều. Dự kiến để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ LPG trong nước, cơ sở hạ tầng tồn trữ của các kho LPG phải đạt quy mô khoảng 3,5 - 4,0 triệu tấn/năm vào năm 2025 và khoảng 4,5 - 5,0 triệu tấn/năm vào năm 2035, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp.

Do đó, cần có định hướng mở rộng và xây mới kho LPG để nhập khẩu LPG đủ cho nhu cầu phát triển các nhà máy công nghiệp và các khách hàng dân dụng tại các vùng cung ứng bảo đảm nhu cầu tiêu thụ LPG tăng trưởng từ khoảng 5%; Xây mới và mở rộng kho LNG hiện có đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các dự án điện khí, các khách hàng công nghiệp và dân dụng

Định hướng xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ trạm chế biến khí trên bờ và kho LNG đến các khách hàng công nghiệp và dân dụng, đặc biệt quan tâm phát triển mạng tuyến ống khí thấp áp đến các nhà máy, sân bay, bệnh viện, khách sạn lớn, trường học. Sớm nghiên cứu tuyến ống khí kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Xây dựng thêm các trạm phân phối khí thiên nhiên, các trạm chiết nạp LPG.

Ông Nguyễn Thanh Bình kiến nghị, việc sửa đổi Nghị định 87 cần tạo dựng và khuyến khích môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Đồng thời, mở rộng sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cung cấp đầy đủ công cụ để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực thi trách nhiệm quản lý và giám sát thị trường.

Ông Nguyễn Văn Vy – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, hiện công nghệ cho tìm kiếm khai thác vẫn phức tạp, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, đặc biệt sự biến động của thị trường dầu khí thế giới, chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố chính trị.

Cùng đó là xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Do vậy, để phát triển thị trường khí, cần thúc đẩy sớm công tác đầu tư các dự án khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng khí, nhập khẩu khí, điện khí, tái hóa khí hóa lỏng LNG để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Arab Saudi ‘tung đòn chí mạng’ vào thị trường dầu Nga

Tổ hợp hóa dầu lớn nhất Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu vận hành thương mại

Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương xác định đối tượng điều chỉnh mặt hàng dầu HFO

Vietsovpetro đoạt giải nhất Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ VIII

Trung Đông ‘bùng cháy’, giá dầu lên đỉnh

Dầu Nga bất ngờ 'gặp khó' tại Ấn Độ

AI đang thay đổi ngành khai thác dầu khí như thế nào?

Hơn 280 thí sinh tham dự Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ VIII

Bộ Công Thương ban hành quy định mới về bảo quản và huỷ bỏ giếng khoan dầu khí

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Thanh Hóa sẽ trình Bộ Công Thương quy hoạch xây dựng Kho dự trữ quốc gia đối với dầu thô

8 tháng đầu năm, Petrovietnam nộp ngân sách ước đạt 96,5 nghìn tỷ đồng

Đồng Nai: Đồng loạt kiểm tra tại 24 cửa hàng xăng dầu

PV GAS vận chuyển thành công LNG bằng đường sắt, giữ vững hoạt động cung ứng năng lượng sau bão số 3

Khí đốt và LNG là mấu chốt cho sự phát triển kinh tế của đất nước

Bí mật đằng sau sự sụt giảm sản lượng của OPEC

Chặng đường ngành Dầu khí hiện thực hóa mong ước của Người

Petrovietnam phát huy ''bộ mã gen'', nỗ lực bảo đảm ''4 chữ An''

Giá dầu thế giới ‘bay cao’, ai là ‘thủ phạm’?

Nỗi lo thiếu khí đốt: Ukraine nắm giữ ‘chìa khóa’ năng lượng châu Âu