
Quy định mới về chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Quy định mới chuẩn hóa tiêu chí công nhận chuyên gia, nhà khoa học, tổng công trình sư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh, có hiệu lực từ 1/7/2025.

Những bài hát mang sắc cờ: Từ Ngày chiến thắng đến Viết tiếp câu chuyện hòa bình
Tôi đã viết nhiều về chiến tranh. Tôi cũng đã sống cùng nhiều thế hệ cầm súng. Nhưng tôi là một người lính trưởng thành trong hòa bình. Trong bộ quân phục từng dãi dầu cùng tôi trên thao trường, có lúc lặng lẽ lắng nghe giai điệu hành khúc từ bản thu cũ sột soạt của “Ngày chiến thắng", bài hát bất hủ của Liên Xô cũ.
Và giờ đây, sau gần nửa thế kỷ, tôi lại một lần nữa lặng người nhưng không vì tiếng đại bác hay bài diễn văn hùng hồn, mà bởi một ca khúc rất mới, của một nhạc sĩ trẻ Việt Nam: Nguyễn Văn Chung với “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ trẻ nhưng có nhiều sáng tác nổi tiếng. Ảnh: FBNV
Một tình yêu không biên giới
Giữa tháng Tư lịch sử, hai bài hát ấy: Một ra đời đúng sau 30 năm chiến thắng của Liên Xô nhưng lại đúng vào mùa Xuân toàn thắng của chúng ta, chiến thắng 30/4/1975, một ra đời và toả sáng rạng rỡ vào 30/4/2025, sau hành trình qua nhiều vinh quang xen lẫn cay đắng đủ để chúng ta thêm thấm thía giá trị của hoà bình, độc lập, tự do. Hai ca khúc, hai thời đại, hai đất nước nhưng bỗng hòa quyện trong tôi như một bản hòa âm của hai thế hệ. Chúng cùng kể một câu chuyện: “Chúng ta được sống, là bởi có những người đã ngã xuống”.
“Ngày Chiến thắng” do David Tukhmanov sáng tác và Lev Leshchenko trình bày từng được xem là “hồi trống chiến thắng” của cả một dân tộc Xô viết bước ra từ khói lửa phát xít. Không khoa trương, không kèn trống, ca khúc bắt đầu bằng sự bâng khuâng của ký ức: “Ngày Chiến thắng đã cách xa chúng ta/Như những nét chì màu tan đi trong lửa đạn…”. Đó là nỗi đau, là giọt nước mắt đi qua máu xương, nhưng cũng là vinh quang của những người lính đã dành cả tuổi xuân cho đất nước.
“Viết tiếp câu chuyện hòa bình” lại là một tâm thế khác: tâm thế của những người được sống trong hòa bình, được hưởng thành quả của cha anh, và hiểu rằng hòa bình không tự nhiên mà có.
Câu hát “Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hoà bình” vang lên không phải để kể công, mà để khắc ghi, để biết ơn, để không bao giờ lãng quên.
“Ngày Chiến thắng” của Liên Xô, ra đời đúng vào năm 1975 là hành khúc nhưng không cuồng nộ. Là âm vang chiến thắng nhưng ngập tràn nỗi nhớ. Ca từ giản dị: “Xin chào Mẹ, không phải tất cả chúng con đều được trở về…”. Chỉ một câu thôi, mà gói gọn cả khúc bi tráng của một dân tộc từng cày nát châu Âu để đập tan chủ nghĩa phát xít.
Bài hát ấy không vinh danh những tướng lĩnh kiêu hãnh. Nó cúi đầu trước những mái tóc pha sương trong nghĩa trang. Những người lính vô danh. Những bàn chân rớm máu qua nửa vòng Trái đất. Và cũng là lời hứa từ thế hệ còn sống: “Chúng con đã thần tốc tiến lên. Và bây giờ là nhiệm vụ của hòa bình”.
“Viết tiếp câu chuyện hòa bình” thì ra đời từ một vị trí khác: Giữa các tòa nhà cao tầng, giữa ánh đèn quốc kỳ trên dải phố hiện đại. Nhưng những dòng đầu tiên của nó lại không lạc khỏi mạch thiêng liêng: “Cha ông ta ngày xưa ngã xuống, để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình”.
Cũng như “Ngày Chiến thắng”, nó không ca ngợi chiến tranh, không tung hô hào khí. Mà khởi đầu bằng lòng biết ơn. Và nhấn mạnh một điều như một hồi chuông gửi tới những người trẻ thời nay: Hòa bình không phải là điều mặc định. Nó là sự đánh đổi.
Cần người viết tiếp với lòng dũng cảm và một trái tim
Tôi từng phục vụ trong quân đội, từng làm công tác đảng, công tác chính trị, từng dạy cả chiến sĩ mới ở Sư đoàn Sao vàng hát. Sau đó tôi làm báo, từng viết về biết bao người lính kinh qua chiến tranh, những người từng quên đi niềm riêng, quên cả bản thân mình vì nước non này. Tôi cũng từng viết về văn học, nghệ thuật, về quốc hội, về điều tra, rồi về kinh tế. Tôi không ngại gọi tên những nghịch lý. Nhưng cũng có lúc, chính tôi cảm thấy mình lặng đi, bởi một điều giản dị: Có quá nhiều người đang được sống, nhưng lại vô cảm trước sự hy sinh.
Bởi vậy, khi nghe “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, tôi không đơn thuần thấy xúc động. Tôi thấy được sự trở lại của một âm nhạc trách nhiệm, một giai điệu nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm, không dùng kỹ thuật để “chạm vào tai”, mà dùng sự thật để chạm tới những trái tim.
Câu hát: “Xin tri ân những người chiến sĩ, quên đi niềm riêng, quên đi cả bản thân mình…” không phải là một hình ảnh tượng trưng. Nó là thực tế tôi từng chứng kiến. Từ người lính ở nhà lao Cây Dừa, những chiến sĩ đặc công dưới cành phượng tím Nam Trung Bộ hay những người đi giải phóng Trường Sa đã gửi tuổi 20 vào sóng nước, đến bà mẹ liệt sĩ ngồi lặng bên bức ảnh con trên đảo ngọc Phú Quốc.
Họ không đòi được vinh danh. Nhưng lịch sử, nếu là một trái tim còn đập, thì phải nhớ đến họ trước tiên.
“Ngày Chiến thắng” được trình diễn mỗi năm vào ngày 9/5 tại Quảng trường Đỏ. Cờ phấp phới. Những đội hình duyệt binh. Nhưng nếu chỉ có hình ảnh thì nó sẽ là sân khấu. Chính âm nhạc mới khiến người ta khóc.
Người Nga gọi bài hát ấy là “trái tim thứ hai của người Xô viết”. Bởi nó không phải là bài hát cho người thắng mà là bài hát cho người mất mát.
Tương tự, “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” đã không còn là ca khúc trình diễn. Nó đang trở thành tiếng hát tập thể ở trường học, công sở, trong đơn vị quân đội, công an, trên mạng xã hội. Những đoạn điệp khúc như:
“Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hòa bình…” không còn là mời gọi, mà là một lời nhắc trách nhiệm.
Tôi không quen Nguyễn Văn Chung. Tôi cũng từng dè chừng các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ viết nhạc “yêu đương”, “viral” cho nhanh. Nhưng với bài hát này, tôi thấy được một người cầm bút như một người lính.
Anh không viết để bán. Anh viết để gửi. Gửi đến cha anh, gửi đến thế hệ đang lớn, gửi đến những đứa trẻ chưa từng nghe tiếng còi báo động. Trên trang Facebook cá nhân, Chung tâm sự những lời từ trái tim một người viết nhạc: anh coi việc ca khúc được biểu diễn trong đại lễ là vinh dự chưa từng có trong đời sáng tác. Lần đầu tiên, bài hát của anh được vang lên giữa một “Concert Quốc gia” mà hàng triệu người cùng nghe và hòa giọng. Chung gọi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất sự nghiệp, là “một cột mốc thiêng liêng”, và xúc động nhắc đến người mẹ đã khuất: “Ước gì có má bên cạnh…”.
Khi có tranh luận về ca sĩ trình diễn chính thức, anh nhấn mạnh: “Đây không phải sân khấu tranh tài. Đây là nhiệm vụ quốc gia.” Anh tôn trọng cả ca sĩ trình diễn trong đại lễ (Võ Hạ Trâm, Đông Hùng) và ca sĩ sở hữu độc quyền biểu diễn (Nguyễn Duyên Quỳnh), cho rằng tất cả đều quan trọng như nhau, vì đều phục vụ cho đất nước.
Tôi mong anh viết tiếp. Nhưng không chỉ là tiếp những câu chuyện cũ. Mà hãy viết cả về những “chiến sĩ trên trận tuyến mới”, các doanh nhân, công nhân, kỹ sư công thương, người dân vùng sâu vượt nghèo, những tổng tiến công đổi mới của thời bình.
Khi những bài hát mang sắc cờ
Tôi từng đứng giữa Quảng trường Ba Đình và Quảng trường Đỏ. Một bên là bản “Tiến quân ca”, một bên là “Ngày toàn thắng”. Và rồi tôi nhận ra: có những lúc âm nhạc còn mạnh hơn cả những lá cờ. Khi một bài hát khiến người trẻ lặng đi, khiến người lớn rưng rưng, khiến một người lính không còn trẻ như tôi rút bút viết tiếp thì nó không còn là âm nhạc. Nó là một phần ký ức sống động của quốc gia.
Tôi cảm ơn Nguyễn Văn Chung không chỉ vì bài hát hay, mà vì anh dũng cảm. Dũng cảm đi ngược với xu hướng thị trường. Dũng cảm chọn chủ đề lớn. Dũng cảm viết bằng cả lòng biết ơn lẫn sự tự hào hoà chung nhịp đập của ngày hội non sông.
Tôi mong anh và cả thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp tục viết về đất nước, không phải bằng quá khứ, mà bằng khát vọng hành động. Hãy tiếp tục viết những bài hát về xây dựng, về con người mới, về mặt trận kinh tế, như một bản anh hùng ca mới của dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Hòa bình chỉ trường tồn khi chúng ta viết tiếp bằng công việc của mình bằng cả trái tim. Các cuộc chiến tranh đã lùi xa. Nhưng “cuộc chiến để giữ lấy hòa bình” chưa bao giờ dừng lại. Nó nằm trong từng quyết sách đúng lúc. Trong từng bàn tay kiến thiết. Trong từng trái tim còn nhớ ai đã ngã xuống để mình được yên giấc.
Hòa bình, do đó, không thể là sự im lặng. Nó phải được viết tiếp. Hát tiếp.
Và sống tiếp. Trong từng con người. Bằng cả mỗi trái tim.

Kinh tế tư nhân Việt Nam có giá trị nhân văn cao cả
Kinh tế tư nhân được xác lập là chiến lược phát triển, mang giá trị nhân văn bao trùm xã hội, trở thành động lực trỗi dậy khi các khu vực khác đang chững lại.

Từ tuyến lửa Trường Sơn đến 'xa lộ' logistics - Bài 3: Từ 'mạch máu' thép đến 'huyết quản' số
Việt Nam đã chuyển từ hậu cần chiến tranh sang chuỗi cung ứng toàn cầu, cải cách hạ tầng và phát triển chiến lược logistics, nền tảng vững chắc cho hội nhập.

Người Anh hùng trên lễ đài lịch sử rơi lệ khi nghe một câu hát
Trên lễ đài đại lễ kỷ niệm 30/4, ống kính truyền hình bắt đúng lúc người lính già lau nước mắt khi hai ca sĩ cất tiếng hát. Câu hát kỳ lạ như gói cả đời ông
Tiêu điểm

Chiến sự Nga-Ukraine tối 2/5: Nga truy quét lính Ukraine ở Kursk
Nga truy quét tàn quân Ukraine ở Kursk; Quân đội Nga siết vây Belovody;... là những thông tin nóng được cập nhật bản tin chiến sự Nga-Ukraine tối 2/5.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cứu nạn kịp thời 10 ngư dân bị nạn trên biển
Ngày 2/5, tàu cá BV 97879 TS bị nạn trên vùng biển Côn Đảo sau cú va chạm với tàu hàng BBC MERCURY, quốc tịch Liberia, 10 ngư dân bị nạn.

Đoàn công tác Quốc hội tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ tại Côn Đảo
Ngày 2/5, đoàn công tác của Quốc hội đã dự lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ hy sinh tại Côn Đảo; tặng quà gia đình người có công trên địa bàn huyện.

Bộ đội Biên phòng Lai Châu cứu bé gái lạc trong rừng
Sau gần 3 ngày đêm tìm kiếm, Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã kịp thời cứu an toàn cháu bé người La Hủ 7 tuổi bị thiểu năng lạc vào rừng sâu.

Bỏ qua vài kẻ vô ơn, đại lễ thổi bùng lẽ sống đẹp ‘tuyệt đối không điện ảnh’ của giới trẻ
Chuyện cậu sinh viên Đại học Văn Lang vô lễ chỉ là rất cá biệt. Ngược lại trong dịp đại lễ lần này, chúng ta thấy đã bùng cháy lẽ sống biết ơn của người trẻ.

Xuất khẩu nông sản sang EU: Không phải lượng mà là chất
Nhu cầu hàng hóa, nông sản của thị trường EU là rất lớn, tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất để đưa được hàng vào châu Âu đó là tiêu chuẩn, chất lượng.

Tai nạn giao thông trong 2 ngày lễ đầu tháng 5 giảm cả hai tiêu chí
Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong hai ngày nghỉ lễ 1 và 2/5/2025 cả nước ghi nhận 117 vụ tai nạn giao thông, làm chết 50 người bị thương 100 người.

Từ lời nhắn của người lính đến trách nhiệm viết tiếp 'câu chuyện hòa bình' của thế hệ trẻ
Thế hệ cha ông giữ đất nước bằng máu, thế hệ hôm nay viết tiếp "câu chuyện hòa bình" bằng bản lĩnh, tri thức và trách nhiệm...

Thanh Hóa đón sóng đầu tư, bất động sản tăng tốc
Sự phục hồi kinh tế ấn tượng và "làn sóng" đầu tư mới đang thúc đẩy thị trường bất động sản Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ trong năm 2025.

Từ cảng Koper đến EVFTA: Việt Nam và Slovenia tăng tốc liên kết
Việt Nam và Slovenia mở rộng lĩnh vực hợp tác kinh tế trước tình hình mới thông qua hàng loạt hoạt động.