Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Thông tin được ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra, tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” do Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều ngày 28/2, tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), phát biểu tại hội thảo |
Doanh nghiệp cần hỗ trợ về chính sách, vốn, thị trường
Trong phiên thảo luận, các diễn giả tại hội thảo ghi nhận và thảo luận về câu chuyện liên kết ngành, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia nhanh và sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong phiên thảo luận, các diễn giả tại hội thảo đã bàn luận nhiều vấn đề và đưa ra những hướng tiếp cận mới nhằm hỗ trợ nâng cao nội lực ngành công nghiệp Việt Nam, tăng cường liên kết ngành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, đưa ra những đề xuất, đóng góp nhằm hiến kế thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ Việt Nam, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Bùi Thị Hồng Hạnh - Giám đốc điều hành NC Network, công bố khảo sát về khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong nước khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu tại hội thảo |
Công bố khảo sát về khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong nước khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Bùi Thị Hồng Hạnh - Giám đốc điều hành NC Network - cho rằng: Những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt đó là tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới...
Hiện nay số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Đặc biệt, chưa hình thành được chuỗi cung ứng nội địa hoàn chỉnh, khó có thể đáp ứng các đơn hàng đòi hỏi gia công nhiều công đoạn. Cũng như thiếu thông tin về những yêu cầu mới tại các thị trường xuất khẩu khiến doanh nghiệp bị động trong việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng…
Theo bà Bùi Thị Hồng Hạnh, trong bối cảnh cơ hội tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Việt đang rất nhiều, nhưng rủi ro và khủng hoảng đang rất cao. Do đó, cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ về ưu đãi thuế, đào tạo, tài chính, phát triển thị trường.
Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trình bày những định hướng và giải pháp từ Thành phố để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới |
“Trong đó, cần qui hoạch các khu công nghiệp hỗ trợ phát triển theo chuỗi cung ứng của các hãng lớn cũng như các doanh nghiệp trong nước với chi phí, chính sách hợp lý. Ngoài ra, nhà nước có chiến lược dài hạn, cụ thể, nhất quán, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với thực tế đất nước” - Giám đốc điều hành NC Network kiến nghị.
Tiếp nối câu chuyện, trong phần tham luận, đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá tình hình phát triển của công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, đặc biệt là các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ của địa phương trước những khó khăn của doanh nghiệp ngành công nghiệp. Cùng với đó là những định hướng và giải pháp từ thành phố để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.
TS. Võ Trí Thành đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu tại hội thảo |
Để thúc đẩy công nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh những giải pháp như: Phát triển quỹ đất công nghiệp, nguồn nhân lực; tiếp tục hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung cầu; triển khai giải pháp về hỗ trợ và thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ… “Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý (Luật Công nghiệp) và thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển công nghiệp Quốc gia” - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đề xuất.
Đóng góp vào giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, TS. Võ Trí Thành đã trình bày tham luận về vấn đề “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng”.
Các chuyên gia, doanh nghiệp đối đáp sôi nổi xoay quanh những vấn đề, khó khăn thực tại cần tháo gỡ và đề xuất giải pháp để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Trong phần hỏi - đáp, các chuyên gia, diễn giả cùng nhau đưa ra nhiều ý kiến, đối đáp sôi nổi xoay quanh những vấn đề, khó khăn thực tại cần tháo gỡ và đề xuất giải pháp để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, các chuyên gia cũng cùng phân tích câu chuyện thúc đẩy liên kết ngành thông qua các dẫn chứng kinh nghiệm xây dựng Luật Phát triển công nghiệp của các nước, qua đó đề xuất các chính sách, đặc biệt là cần sớm ban hành Luật phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết: Trong thời gian qua, đối mặt với những khó khăn từ sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19, các cuộc chiến tranh thương mại và xung đột chính trị diễn ra trên thế giới, ngành công nghiệp Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với định hướng, chính sách kịp thời của Đảng và Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ổn định, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) |
Tuy nhiên, ngành công nghiệp Việt Nam cần khắc phục được những điểm nghẽn, xây dựng được nội lực, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến động thị trường theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.
Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, Cục trưởng Cục Công nghiệp khẳng định, trên cơ sở những ý kiến đóng góp, tham luận có giá trị của các chuyên gia, đại biểu các sở, ban ngành và các địa phương tại hội thảo, trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trong tâm.
Cụ thể: Bộ Công Thương ưu tiên hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phát triển công nghiệp trên cả nước. Đặc biệt là có một đạo Luật chuyên môn về công nghiệp để thống nhất các chính sách pháp luật nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, hiện đại, đảm bảo năng lực tự chủ về tư liệu sản xuất và nâng cao vị thế của một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu.
Lễ ký kết MOU giữa Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến việc Việt Nam xây dựng nền công nghiệp tự chủ, trong khuôn khổ hội thảo |
“Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về công nghiệp trọng điểm trình Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024”- ông Trương Thanh Hoài thông tin.
Bên cạnh đó, đề xuất các cơ chế thúc đẩy phát triển các tập đoàn công nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên cũng như hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo định hướng của Chính phủ.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển hệ thống cụm liên kết ngành, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm, dưới sự dẫn dắt của các tập đoàn công nghiệp quy mô lớn của Việt Nam có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh quốc tế và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đẩy mạnh công tác xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương. Các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng có vai trò kết nối các trung tâm tại địa phương, hình thành hệ sinh thái chung về công nghệ và sản xuất công nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Bộ Công Thương mong muốn các hiệp hội, ngành hàng phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cầu nối liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa và đóng góp nhiều tiếng nói hơn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời luôn hành động vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao năng lực của doanh nghiệp để ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo tiền đề cất cánh trong thời gian tới.