Hoa Kỳ rà soát thay đổi hoàn cảnh để xem xét vấn đề kinh tế thị trường cho Armenia
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 5/2/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng cuộc rà soát thay đổi hoàn cảnh (CCR) để xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Armenia trong khuôn khổ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm giấy bạc nhập khẩu từ Armenia.
Quyết định nêu trên được Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra sau thời hạn 45 ngày xem xét hồ sơ đề nghị của Armenia được nộp chính thức cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào ngày 21/12/2023.
Hiện nay có 12 quốc gia đã và đang bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN |
Được biết, đây là lần thứ hai Armenia nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét vấn đề kinh tế thị trường cho quốc gia này. Trước đó, ngày 21/3/2023, Bộ trưởng Kinh tế của Armenia đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đề nghị xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường, tuy nhiên chưa đề cập tới lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với một sản phẩm cụ thể.
Do đó, theo quy định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Chính phủ Armenia đã gửi một thư tiếp theo vào ngày 21/12/2023 để đề nghị DOC xem xét vấn đề kinh tế thị trường trong khuôn khổ vụ việc chống bán phá giá giấy bạc (mã vụ việc A-831-804).
Thông báo chính thức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc khởi xướng vụ việc nói trên được đăng tải lên trang Thông báo Liên bang vào ngày 13/2/2024. Theo đó, kể từ ngày công báo, các bên quan tâm sẽ có 30 ngày để gửi ý kiến bình luận và 14 ngày tiếp theo để phản biện. Thời hạn để Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 270 ngày kể từ ngày khởi xướng (dự kiến đến tháng 11 năm 2024).
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hiện nay có 12 quốc gia đã và đang bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ, gồm: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyz, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.
Theo luật định của Hoa Kỳ, một quốc gia được xem là kinh tế thị trường phải thỏa mãn 6 tiêu chí quy định tại Mục 771(18)(b) của Đạo luật Thuế quan 1930, bao gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác.