Hóa đơn điện tử - đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh
Chiều ngày 27/6/2024, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu: Giải pháp cho quản lý minh bạch và hiệu quả”.
Ông Đinh Hùng – Phó Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết: Thực hiện sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Cục thuế các tỉnh, thành phố đã triển khai hàng loạt các giải pháp, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra. Đến nay, 100% các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước đã thực hiện việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ theo đúng quy định của pháp luật.
“Đây là một bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của ngành tài chính, góp phần gia tăng tính minh bạch, chống gian lận, thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong đó, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc triển khai thực hiện phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng tại tất cả cửa hàng kinh doanh xăng dầu, đã và đang tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ công; đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh; tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Nhiều ý kiến tại Tọa đàm đều cho rằng, việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán lẻ xăng dầu đã và đang tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch. |
Tại Tọa đàm, nhiều nội dung đã được các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự thảo luận sôi nổi như: Hóa đơn điện tử: Chìa khóa cho quản trị thuế hiệu quả trong ngành xăng dầu; Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng hóa đơn điện tử trong quản lý bán lẻ xăng dầu.
PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) khẳng định, việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán lẻ xăng dầu là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật, thì điều này đã được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 123/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói riêng bắt buộc phải xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước khi bị bắt buộc, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới chỉ thực hiện xuất hóa đơn tổng vào cuối ngày, mà chưa thực hiện xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng theo từng lần bán xăng dầu.
Ngoài ra, chủ trương trên cũng nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 508/QĐ-TTg về chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành ngày 23/4/2022.
“Trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Theo đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản đảm bảo được mục tiêu quan trọng đã xác định”, PGS. TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh.
Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi
Cũng theo PGS. TS Lê Xuân Trường, đối với doanh nghiệp, việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, cũng như kết nối với cơ quan thuế sẽ cơ bản thay đổi cơ chế quản lý của thị trường xăng dầu. Hóa đơn điện tử giúp tăng tính chính xác và minh bạch trong quản lý kế toán.
Thông qua hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp có thể tự động ghi nhận và lưu trữ thông tin về giao dịch một cách chính xác và hiệu quả, giúp quản lý và kiểm soát chi phí nhiên liệu hiệu quả hơn.
PGS. TS Lê Xuân Trường cho rằng, việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán lẻ xăng dầu đã mang lại lợi ích to lớn cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. |
Theo các chuyên gia, đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng, việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu giúp đảm bảo tính công khai, minh bạch rõ ràng giữa các bên và các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau một cách sòng phẳng. Đồng thời, giúp doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ và chấp hành pháp luật về thuế.
Đặc biệt, xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quản trị nội bộ tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng nhân viên của doanh nghiệp làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan quản lý thuế, giúp dễ dàng kiểm soát được khối lượng nhập vào, bán ra của doanh nghiệp, tránh hiện tượng gian lận.
Bên cạnh đó, giúp cho hoạt động kiểm tra, lưu trữ hóa đơn trở nên đơn giản hơn; tăng cường hiệu quả kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận, buôn lậu xăng dầu.
Còn đối với người dân, việc nhận được hóa đơn điện tử sau mỗi lần mua hàng là bằng chứng pháp lý sau mỗi lần giao dịch mua bán. Cùng với đó, người tiêu dùng được mua xăng dầu theo giá đúng quy định pháp luật (xăng dầu là lĩnh vực nhà nước quản lý giá).
Hóa đơn điện tử sẽ cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, số lượng, giá cả và thông tin về cửa hàng bán hàng. Điều này giúp người dân dễ dàng kiểm tra và đối chiếu thông tin, giảm tình trạng gian lận, qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Hóa đơn điện tử là bằng chứng pháp lý xác định trách nhiệm của bên bán nếu như chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, PGS. TS Lê Xuân Trường khẳng định.
Tọa đàm đã ghi nhận những ý kiến, đề xuất mang tính xây dựng, cung cấp nhiều góc nhìn, kiến nghị của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp… gửi tới các cơ quan quản lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật về tài chính, để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và sự đồng thuận xã hội ngày càng cao.