Thứ tư 01/01/2025 13:27

Hoà Bình: Về nơi biến cỏ tranh thành ngoại tệ, người dân thoát nghèo

Bà con người Mường ở xã Phong Phú (Tân Lạc, Hoà Bình) đã biến cây cỏ tranh thành các sản phẩm mỹ nghệ, xuất đi nước ngoài, thu nguồn ngoại tệ lớn.

Biến cỏ tranh thành ngoại tệ

Từ xa xưa, cây cỏ tranh đã có mặt ở khắp các bản làng vùng cao của tỉnh Hoà Bình, dù đi đâu cũng sẽ thấy những đồi cỏ tranh bạt ngàn, xanh mướt. Bà con người Mường thường cắt cỏ tranh về lợp nhà, làm thức ăn cho trâu, bò, hoặc phơi khô để ủ ấm cho gia súc, gia cầm mỗi khi mùa đông tới nên hiệu quả kinh tế không cao.

Bà con người Mường ở xã Phong Phú (Tân Lạc, Hoà Bình) đã biến cây cỏ tranh thành các sản phẩm mỹ nghệ, xuất khẩu đi nước ngoài

Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, người dân xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã biết cắt cây cỏ tranh về phơi làm nguyên liệu đan lát, tạo nên những mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Bằng bàn tay khéo léo, những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo này đã được xuất khẩu ra nước ngoài, giúp bà con nơi đây tăng thêm thu nhập, góp phần đưa ngoại tệ về cho đất nước.

Chị Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lương Phú (xã Phong Phú) chia sẻ: “Bà con người Mường có nghề đan lát từ xa xưa, khi đó họ dùng nguyên liệu cỏ tế, song mây để đan các dụng cụ, vật trang trí… Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên nguồn thu nhập rất bấp bênh. Từ khi chuyển sang dùng nguyên liệu cỏ tranh để đan đồ mỹ nghệ, xuất đi nước ngoài, nó đã trở thành nghề có thu nhập ổn định. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là đồ chơi dành cho thú cưng của người nước ngoài.

Cây cỏ tranh giờ đây được sử dụng làm nguyên liệu tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của người dân tộc Mường

Theo chị Bảy, năm 2020, có một doanh nghiệp xuất nhập khẩu đến đặt hàng Hợp tác xã đan các vật dụng đặc trưng của người dân tộc Mường từ cây cỏ tranh. Vậy là, thứ cỏ mọc hoang trên đồi, từng là nỗi ám ảnh của bà con mỗi khi đi phát nương rẫy, giờ đây chính thức được sử dụng để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, xuất đi Mỹ, Anh, Pháp… với hàng vạn sản phẩm đa dạng, độc đáo, mỗi năm thu được lượng ngoại tệ lớn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, hợp tác xã đã xuất sang thị trường nước ngoài hơn 100 nghìn sản phẩm, thu về 1,5 tỷ đồng. Còn trong năm 2023, thu về được gần 1 tỷ đồng.

Chị Bùi Thị Mơ (xóm Mường Lồ, xã Phong Phú) tâm sự: "Nhà tôi trước đây là hộ nghèo, quanh năm chỉ biết làm nương rẫy, nuôi con gà, con vịt nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi được tham gia vào hợp tác xã để làm hàng thủ công mỹ nghệ, tôi có thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải sinh hoạt, lo cho con cái ăn học, cuộc sống đỡ vất vả hơn, hiện gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Nhiều người dân xã Phong Phú đã có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo nhờ các sản phẩm từ cây cỏ tranh

Tạo việc làm cho lao động địa phương

Chị Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lương Phú thông tin, nghề làm thủ công mỹ nghệ của hợp tác xã đã có từ 20 năm và đang tạo việc làm cho 600 lao động với mức lương trung bình 5 – 7 triệu đồng/tháng. Trong đó, có tới 90% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lương Phú (xã Phong Phú) đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động là con em dân tộc thiểu số tại địa phương

Ngoài ra, nhiều lao động khác cũng có thêm thu nhập nhờ việc đi khai thác cỏ tranh ngoài tự nhiên, cứ 1 0kg cỏ tranh tươi sẽ thu được 5 kg cỏ tranh khô, với giá 7.000 đồng/1kg cỏ tranh khô. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục liên kết với các đơn vị, nhằm tìm kiếm nhiều đơn hàng hơn nữa để chị em có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.

Chị Bảy cho biết, do lượng cỏ tranh ngoài tự nhiên ngày một hiếm, HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú đã lên kế hoạch trồng cỏ tranh trên diện rộng, dự kiến diện tích trồng khoảng 20 – 30 ha. Đồng thời, khuyến khích bà con trồng thêm cỏ tranh tại đồi của gia đình để làm vùng nguyên liệu, chỉ có như vậy mới đủ nguyên liệu cho xuất khẩu.

Ngoài việc khuyến khích phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây cỏ tranh, xã Phong Phú còn hướng gắn sản phẩm với phát triển du lịch cộng đồng

Ông Bùi Văn Nức, Chủ tịch UBND xã Phong Phú đánh giá, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lương Phú là đơn vị tiêu biểu tại địa phương, nhờ việc phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây cỏ tranh để xuất khẩu, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động là con em người Mường trên địa bàn. Giúp bà con có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Đồng thời cho biết, thời gian tới, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngoài việc khuyến khích phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, xã còn đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch, hướng cộng đồng vào các hoạt động du lịch gắn với phát triển sinh kế. Tạo ra các sản phẩm nông nghiệp nổi bật, thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch trên địa bàn.

Dần Thanh
Bài viết cùng chủ đề: Tập trung kinh tế