Hòa Bình: Điểm danh những dự án bị "khai tử", thu hồi do chậm triển khai
Trong thời gian qua nhiều dự án đã bị UBND tỉnh Hòa Bình “khai tử” do chậm triển khai, trong đó có những dự án đã trải qua hơn 01 thập kỷ nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Điều này đã gây lên bức xúc trong người dân và làm lãng phí tài nguyên đất.
Mới đây, ngày 26/12, UBND tỉnh Hòa Bình đã đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đá sét Phú Lai - Đoàn Kết, huyện Yên Thủy do Công ty Cổ phần Xi măng X18 là nhà đầu tư.
Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác đá sét làm nguyên liệu xi măng cho Công ty Cổ phần X18; Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và Quyết định phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi môi trường.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, dự án đã được Sở Xây dựng Hòa Bình thẩm định thiết kế cơ sở, Sở Công Thương Hòa Bình thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa cung cấp tài liệu kiểm chứng.
Ngày 11/11/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đá sét Phú Lai - Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tại thời điểm kiểm tra, nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện giải phóng mặt bằng và thực hiện thủ tục đất, xây dựng.
Ngoài ra, nhà đầu tư chưa ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư; hiện trạng tại vị trí thực hiện dự án, các hộ gia đình, cá nhân đang trồng cây keo; Nhà đầu tư chậm đưa dự án vào hoạt động khoảng 12 năm.
Đối chiếu với các quy định hiện hành, UBND tỉnh Hòa Bình đã đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án mỏ đá, sét của Công ty Cổ phần Xi măng X18.
Cũng trong ngày 26/12, còn 2 dự án khác cũng bị UBND tỉnh Hòa Bình ra thông báo thu hồi chủ trương đầu tư do chậm tiến độ và không thực hiện đúng các cam kết với địa phương này.
Đó là dự án Nhà máy Sản xuất cơ kim khí tại thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn do Công ty TNHH Cơ kim khí Việt Mỹ Hòa Bình là chủ đầu tư. Theo chủ trương đầu tư được duyệt, thời hạn hoàn thành đầu tư và đưa dự án đi vào hoạt động từ tháng 8/2017.
Tại thời điểm kiểm tra ngày 25/10/2022 dự án đã chậm tiến độ 5 năm, doanh nghiệp cũng chưa triển khai thực hiện dự án ngoài thực địa, chưa thực hiện nghĩa vụ bảo đảm thực hiện đầu tư (ký quỹ hoặc có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ) và chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng (chưa được giao đất, cấp phép xây dựng) với lý do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện trạng vị trí thực hiện dự án vẫn còn 3 hộ dân đang sinh sống.
Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình chưa nhận được đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nêu trên, căn cứ quy định hiện hành, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra thông báo đồng ý chấm dứt hoạt động của dự án này.
Tương tự, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn do Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hùng Thoa là nhà đầu tư cũng bị UBND tỉnh Hòa Bình chấm dứt hoạt động.
Tại thời điểm kiểm tra ngày 21/7/2022 dự án này đã chậm tiến độ 4 năm. Tổng diện tích đất mà dự án được được giao khá lớn, lên tới 2.556,4m2/3.000m2.
Tuy nhiên, sau 4 năm doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện dự án ngoài thực địa, chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng (chưa được giao đất đủ theo diện tích được duyệt và cấp phép xây dựng).
Khu vực dự án được UBND tỉnh quy hoạch là đất ở (Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 14/9/2017 về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn đến năm 2025, tầm nhìn 2035).
Do vậy, nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư (thời điểm Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 14/9/2017 có hiệu lực).
Dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf với tổng mức đầu tư 2.883 tỷ đồng của FLC. Ảnh phối cảnh |
Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf với tổng mức đầu tư 2.883 tỷ đồng tại huyện Yên Thủy do Công ty CP Tập đoàn FLC là nhà đầu tư.Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định hiện hành.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thủy và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, Công ty CP Tập đoàn FLC được địa phương hỗ trợ triển khai các nội dung liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng với các hộ dân có đất trong phạm vi thực hiện dự án (khoảng 129ha) đã chuyển hồ sơ chuyển nhượng đến FLC từ ngày 5/4/2022 và diện tích đất do Nhà nước quản lý (khoảng 18,2ha) đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền giao đất cho nhà đầu tư.
Lý do chấm dứt chủ trương đầu tư dự án được UBND tỉnh Hòa Bình đưa ra là vì FLC không triển khai thực hiện dự án theo tiến độ cam kết được phê duyệt.
Thời gian qua trên cả nước còn tồn tại rất nhiều dự án đầu tư dang dở, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài. Gần đây, nhiều địa phương đã có hàng loạt động thái mạnh tay, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này. Ngày 13/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành liên quan tới việc triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”. Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, các địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh… đã có nhiều động thái mạnh mẽ, cụ thể các địa phương trên đã rà soát, chấm dứt hàng chục dự án đã bị doanh nghiệp “ngâm” quá lâu dẫn tới lãng phí đất đai, ảnh hưởng tới người dân. |