Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết từ đầu năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19. Mặc dù, các doanh nghiệp đã và đang rất nỗ lực vượt khó, tuy nhiên khó khăn và thách thức ngày càng thêm chồng chất, bộn bề do những hạn chế nội tại cố hữu của khu vực doanh nghiệp, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, trong đó gần đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh COVID-19 sẽ còn gây ra những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời.
Do đó, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trong trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng, tạo đà bứt phá, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 là thực sự cần thiết.
Luỹ kế đến năm 2025 có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập
Theo dự thảo, trên cơ sở các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, mức độ tăng trưởng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm trước 2016-2020 và đánh giá tác động bởi dịch bệnh COVID-19 tới khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết đề ra một số mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 như sau:
Phấn đấu luỹ kế đến năm 2025 có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó khoảng 710.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2021-2025; khoảng 70 doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD;
Khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD; khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 100% doanh nghiệp được tiếp cận chuyển đổi số, trong đó 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số; mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới...
Để thực hiện được các mục tiêu đó, dự thảo Nghị quyết đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:
1. Nhóm nhiệm vụ giải pháp về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.
2. Nhóm nhiệm vụ giải pháp về kích cầu nội địa, thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
3. Nhóm nhiệm vụ giải pháp về hỗ trợ tăng cường tiếp cận tài chính.
4. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
5. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp; đào tạo, tư vấn nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề lao động, lĩnh vực kinh doanh mới.
6. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị.
7. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ phục hồi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành kinh tế mũi nhọn.
8. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước.