Hiểu đúng ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta
Nhiều này nay, chất lượng không khí ở Hà Nội ở ngưỡng xấu |
Hệ quả của phát triển “nóng”
Nhiều ngày nay, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng xấu và kém cả 10 điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém). Xu hướng biến động của bụi PM10 và PM2.5 (một trong những loại bụi gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ con người) tại các thành phố phía Bắc tăng cao, trong đó có Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, GS. TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho hay, đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển "nóng". Về nguyên lý, phát triển kinh tế có mối quan hệ tương quan với các điều kiện bất lợi với môi trường, nhất là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. “Chúng ta phát triển nhưng không đánh đổi là không được, mà điều quan trọng nhất là đánh đổi ở mức như thế nào để chấp nhận được” - GS. TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh; đồng thời ông cũng ví dụ cụ thể: Mỗi kW/h điện người dân đang sử dụng hàng ngày, mỗi km chạy xe, hay mỗi ngôi nhà công trình xây dựng đều góp phần gây ô nhiễm không khí. Thế nhưng, do nhu cầu tăng trưởng nên chúng ta không thể dừng lại tất cả được, mà điều quan trọng là phải tìm ra những giải pháp hợp lý; đưa công nghệ hiện đại vào để giảm thiểu phát thiểu.
Cùng quan điểm với GS. TS Hoàng Xuân Cơ, TS Hà Đăng Sơn, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chia sẻ, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên nặng lượng cần rất nhiều. Trong giai đoạn từ nay đến 10 năm tới chúng ta không thể loại bỏ điện than, do nhu cầu tăng trưởng, lượng xe cộ gia tăng… nhưng chúng ta cần phải có giải pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia có chung nhận định, chỉ khi nào Việt Nam đạt đến mức độ GDP nhất định, thì các chỉ số ô nhiễm mới có thể giảm, chất lượng môi trường có điều kiện cải thiện do kinh tế được nâng cao.
Bài học cho Hà Nội
Theo GS. TS Hoàng Xuân Cơ, thời gian qua, Nhà nước và cụ thể là Hà Nội đã có các động thái tích cực trong kiềm chế nguồn thải ô nhiễm ra môi trường. Đó là, đã không quy hoạch các nhà máy phát thải gần các thành phố lớn; loại bỏ được xăng pha chì, nâng cao được tiêu chuẩn phương tiện giao thông Euro 3, Euro 4; hỗ trợ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng không khí, quan trắc, kiểm soát phát thải ở Hà Nội vẫn còn rất hạn chế.
Tại hội thảo, Ts Park Kidong - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã dẫn ra bài học của Bắc Kinh. Nếu như năm 2013, hàm lượng trung bình của bụi PM2.5 ở Bắc Kinh ở ngưỡng 90 mcg/m3 thì đến năm 2015 còn 81; năm 2016 là 73; 8 tháng đầu năm 2018 là 52,8; 8 tháng cùng kỳ năm 2019 là 42,6. Trước thực tế này, Bắc Kinh đã ban bố nhiều hành động quyết liệt, đó là: loại bỏ nồi hơi đốt than, loại bỏ ô tô cũ gây ô nhiễm, loại bỏ hoặc nâng cấp cơ sở công nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh kiểm soát nguồn ô nhiễm, kiểm soát số lượng xe ô tô, kiểm soát tiêu thụ than (dưới 65% đến năm 2017). Đồng thời, chú trọng cải thiện chất lượng nhiên liệu; cải thiện quản lý giao thông và cải thiện sử dụng năng lượng. Tích cực xúc tiến loại bỏ lưu huỳnh và khử nitơ trong các ngành công nghiệp chính; thúc đẩy sản xuất sạch hơn; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; xúc tiến công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường; xúc tiến năng lượng mới; đồng thời ban hành nhiều cơ chế về chỉnh sửa và hoàn thiện luật và quy chế phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí, xây dựng hợp tác vùng, xây dựng nhiều khu quan trắc hơn, lắp đặt các hệ thống theo dỗi và cảnh báo ô nhiễm không khí… Với một loạt giải pháp quyết liệt, giờ đây môi trường Bắc Kinh đã được cải thiện tích cực.
Từ bài học ở Bắc Kinh và thực tế tại Hà Nội, Ts Park Kidong, cho rằng, Hà Nội nên cân nhắc tới việc tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí; cải thiện khả năng tiếp cận nguồn thông tin, số liệu chính thống về chất lượng không khí của người dân; rà soát cẩn thận nhằm phát hiện các nguồn phát thải khí ô nhiễm và áp dụng các biện pháp nhằm giảm các chất ô nhiễm tại nguồn; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành và liên tỉnh…