Để lại những dấu ấn quan trọng
Trình bày Dự thảo báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2021 với những chuyển biến mạnh mẽ; cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra. Bên cạnh đó, tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6 |
Kỳ họp này cũng là dịp để Quốc hội đánh giá những kết quả đã đạt được, thảo luận, ban hành những quyết sách quan trọng để thúc đẩy hơn nữa cho quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới. Quốc hội đã lắng nghe, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cũng như kịp thời nắm bắt xu thế chung của thế giới, biến động tình hình trong nước, đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, sau 22,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 và để lại những dấu ấn quan trọng, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm sắp tới. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao, ghi nhận những đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với nhân dân, được nhân dân giám sát chặt chẽ.
Trong đó, nổi bật tại kỳ họp thứ 6, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ.
Về công tác lập pháp, 9 luật được thông qua với tỷ lệ tán thành cao, cho thấy sự chỉ đạo rất sát sao của lãnh đạo Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự cố gắng của các cơ quan trong việc chuẩn bị nội dung và bảo đảm quy trình, thủ tục theo luật định. Quốc hội cũng đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành. Việc phê chuẩn Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, phiên chất vấn có tới 19 Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng 2 Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có chất vấn đối với Thủ tướng. Quốc hội cũng đã hoàn thành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...
Phát huy tính tích cực, chủ động
Về một số nội dung cần quan tâm, chỉ đạo trong thời gian tới, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cần xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Đồng thời, thường xuyên giám sát việc thi hành luật, nghị quyết; tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; thực hiện tốt công tác chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp sau. Các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng…
Về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, công tác xây dựng pháp luật tiến hành trong 10,5 ngày, trong đó xem xét thông qua 6 dự án luật gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Kiến trúc, Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật sửa đổi - bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; 1 dự thảo nghị quyết (3,75 ngày).
Bên cạnh đó, cho ý kiến 9 dự án luật (6,75 ngày); các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác: 9,75 ngày.
Như vậy, dự kiến tổng thời gian tiến hành kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV là 20,25 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2019, bế mạc vào ngày 17/6/2019.
Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Đồng thời, tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, đề cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm chất lượng, tiến độ, gửi tài liệu đúng thời gian theo quy định.