“Hiện tượng” Mai Kiều Liên
Tôi đặt câu hỏi:
- Tổng thống người da màu đầu tiên của Hoa Kỳ thì rõ rồi, nhưng còn bà Mai Kiều Liên thì vì sao?
Cô gái nói một mạch như đã chuẩn bị kỹ cho một bản luận án của mình :
- Bà Mai Kiều Liên là người đã có công đưa thương hiệu Vinamilk chiếm lĩnh trên 53% thị phần sữa Việt Nam và xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia, cạnh tranh được với 50 thương hiệu sữa lớn nhất trên thế giới. Bà đã hai lần được Tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn là nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương trong Top 50 và được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Với chiến lược phát triển siêu hiện đại đầy trí tuệ, dựa vào thế mạnh trong nước kết hợp với tiến bộ kỹ thuật các nước phát triển, bà Mai Kiều Liên không chỉ đưa Vinamilk trở thành thương hiệu có uy tín lớn trên toàn cầu mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu gia đình nông dân biết cách thoát khỏi đói nghèo từ nuôi bò sữa. Vượt ra khỏi các trang trại, các hộ gia đình được Vinamilk đầu tư, phong trào nuôi bò sữa đã lan rộng trên mọi miền quê đất Việt. Với chuỗi 15 nhà máy, hàng chục chi nhánh khắp đất nước và thế giới được quản lý theo mô hình hiện đại nhất, Vinamilk đã đạt doanh thu gần 2 tỷ USD. Mọi cổ đông và công nhân viên chức đều cảm thấy hài lòng. Họ luôn được tôn trọng, khuyến khích làm việc sáng tạo, nâng cao tri thức, cuộc sống đầy đủ, thoải mái với thu nhập ngày càng cao, thật lý tưởng. Thần tượng Mai Kiều Liên đã mở ra cho chúng em tầm nhìn sáng tạo về một nền kinh tế tri thức hiện đại.
Người bạn trai bên cạnh hồ hởi góp thêm:
- Không cần nói đến sự nổi tiếng, chỉ riêng việc Vinamilk cung cấp hơn 200 sản phẩm sữa cực tốt cho người Việt Nam thoải mái tiêu dùng với giá rẻ đã góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe toàn dân, nhất là làm tăng vóc dáng, vẻ đẹp của nam nữ thanh thiếu niên nước ta bước vào hội nhập toàn cầu đã là một kỳ tích; mà vai trò, tâm huyết của bà Mai Kiều Liên cần được lưu danh.
Tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước những hiểu biết sâu sắc và cách nhìn nhận cuộc sống hiện đại của các bạn trẻ, đặc biệt đối với Mai Kiều Liên- một hiện tượng đáng suy ngẫm về chân dung người phụ nữ Việt Nam hiện đại, phi thường trong công cuộc đổi mới đất nước.
I.Tôi biết Mai Kiều Liên vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX - khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang “thắp đuốc” tìm những tổng giám đốc tài đức, để xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế mạnh. Chị Mai Kiều Liên là một trong hai kỹ sư năng động đã được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII.
Tôi thích viết về những nhân vật có tính cách mạnh mẽ, khác thường nên đã chú tâm tìm hiểu về Mai Kiều Liên và được biết chồng chị là anh Nguyễn Hiệp công tác tại Viện Khoa học Việt Nam - là bạn đồng tuổi, đồng môn từ thời cấp III, vừa là tri kỷ, tri âm, vừa là trợ lý tài hoa, nhiều lúc còn giúp chị làm nội trợ, chăm sóc, đưa đón con trai, con gái đi học. Vợ chồng chị coi con cái như những người bạn, dạy con biết cách tích lũy kiến thức, bản lĩnh sống tự lập, sống để trở nên ngày càng có ích, luôn biết hòa đồng, tôn trọng và thương yêu mọi người. Giúp người không đợi yêu cầu, không mong trả ơn. Họ sống bình dị, trong sáng, thanh bạch, thích xem phim xã hội, thích bơi lội, thích sự hài hòa với mình, không quan tâm đến hàng hiệu đắt tiền… Họ ghét thói đạo đức giả, ghét sự ngụy biện trốn trách nhiệm, ghét sự nửa vời. Mai Kiều Liên luôn tự thấy hài lòng với cuộc sống gia đình bình yên. Chị từng tâm sự: Rất ngưỡng mộ bà Trịnh Văn Bô - nhà tư sản lớn của Hà Nội xưa đã cống hiến hết tài sản cho kháng chiến với công thức tuyệt vời: Nếu làm được 10 đồng thì tái sản xuất 7 đồng, dành 3 đồng làm từ thiện. “Tổng giám đốc như tôi thì nhiều lắm, còn người như cụ Bô chắc khó tìm…” - chị chia sẻ.
Tổng giám đốc Mai Kiều Liên được Thủ tướng New Zealand trao giải thưởng New Zealand Asean |
Tôi tăng dần sự quý trọng Mai Kiều Liên khi anh Đoàn Văn Kiển - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam - cho biết: Vinamilk quyết định cung ứng sữa tươi tiệt trùng, bồi dưỡng độc hại cho hơn 5 vạn thợ mỏ với giá ưu đãi vào lúc công việc và đời sống công nhân ngành Than đang rất khó khăn. Đầu năm 1999, một tai nạn nổ khí metan khủng khiếp đã xảy ra tại mỏ hầm lò Mạo Khê làm chết 19 thợ lò. Chị Mai Kiều Liên đã nhanh chóng ra thăm hỏi gia đình những người thợ vừa hy sinh với số tiền 100 triệu đồng cùng hàng ngàn hộp sữa. Chị hứa sẵn sàng tạo công việc cho vợ con những nạn nhân nếu mỏ và ngành Than chưa thể bố trí được.
Nhiều nhà văn, nhà báo ca ngợi cách làm từ thiện có chọn lựa rất sâu sắc, không ồn ào của Vinamilk như Quỹ học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó học giỏi; Chiến dịch cung cấp sữa cho hàng chục vạn học sinh vùng sâu vùng xa… với chi phí rất lớn hàng năm. Vốn đã mê sữa Vinamilk, lại nghe những câu chuyện kể lại, tôi đã viết ngay “Hiện tượng Mai Kiều Liên”.
II.Tôi tìm được lý lịch trích ngang của Mai Kiều Liên. Chị sinh ở Paris - Thủ đô nước Pháp ngày 1/9/1953 trong một gia đình trí thức Việt kiều, quê gốc ở Vị Thanh, Hậu Giang. Cha mẹ chị đều là bác sĩ nặng lòng yêu quê hương nên đã vui vẻ chấp nhận mọi gian nan khi đưa cả gia đình trở về Việt Nam năm 1957. Mai Kiều Liên học tại trường Trưng Vương-Hà Nội, vào những năm chiến tranh khốc liệt phải sơ tán về nông thôn, học giữa bãi sông Hồng lầy lội. Sau khi tốt nghiệp cấp III, chị sang Liên Xô học khoa chế biến sữa và thịt tại Mat-xcơ-va. Chị cho biết: Thuở nhỏ, mơ ước theo nghề sư phạm hoặc trở thành bác sĩ, nay phải học một nghề lạ hoắc, rất thất vọng. Vừa bước vào tuỏi 17, phải xa nhà, cứ trăn trở, lo lắng nghĩ về tương lai, nhiều đêm mất ngủ, có lúc muốn chọn lại ngành - kể cả khi đã tốt nghiệp năm 1976. Nhưng chị đã may mắn được người cha liên tục khích lệ: “Sữa là ngành non trẻ ở nước ta, nếu phát triển tốt sẽ giải quyết được tình trạng suy dinh dưỡng triền miên bao đời nay đối với người Việt Nam, nhất là sau chiến tranh, đây là việc lớn nhất…”. Lời khuyên này đã trở thành định hướng cho Mai Kiều Liên như một “định mệnh” - theo cách nói của chị. Sau 6 năm làm kỹ sư phụ trách khối sản xuất sữa đặc của Nhà máy sữa Trường Thọ và làm kỹ sư công nghệ Tổng công ty Sữa- Cà phê miền Nam - tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam, Mai Kiều Liên được đề bạt làm trợ lý giám đốc, rồi Phó giám đốc Nhà máy Sữa Thống nhất. Năm 1983 – 1984, chị được đi tu nghiệp Quản lý kinh tế tại Đại học Leningrad. Trở về nước, chị được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Chị là người tiên phong trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà Nước (DNNN), sớm đưa Vinamilk trở thành DNNN đầu tiên cổ phần hóa với chiến lược phát triển đầy trí tuệ, kết hợp hài hòa giữa đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại song song với đào tạo nguồn nhân lực cùng mô hình điều hành, quản lý theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới. Để chủ động có nguồn nguyên liệu trong nước, đảm bảo cho sức phát triển lâu dài, chị đã cùng các kỹ sư đi học tập kinh nghiệm các nước để xây dựng trang trại mang tầm toàn cầu, chọn những giống bò tốt nhất của Úc, New Zealand, Mỹ… phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời nỗ lực vận động nông dân nhận con giống nuôi bò sữa theo quy chuẩn Vinamilk. Chị chấp nhận thu mua sữa cho họ với giá cao hơn giá nhập khẩu và khuyến khích họ mua cổ phiếu Vinamilk để tích lũy thêm thu nhập.
III.Tôi thường thích lập lá số tử vi cho các nhân vật mình định viết, nhất là những nguyên mẫu nổi tiếng để chiêm nghiệm về số phận của họ mà tạo nên ngôn ngữ phù hợp với tính cách, gia cảnh, vận hạn. Dù đã có ngày sinh của Mai Kiều Liên, tôi vẫn muốn hỏi chị chính xác cả giờ sinh. Tôi đã nhờ nhà văn, nhà báo Triệu Phong - Châu La Việt là bạn học cùng trường thời phổ thông với Mai Kiều Liên và Nguyễn Hiệp hỏi hộ. Chàng con trai nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Nghệ sĩ Tân Nhân xua tay, lắc đầu, cao giọng: “Đồng chí” này không ưa bói toán, không thích ồn ào đánh bóng tên tuổi mình đâu anh ạ - nhất là những chuyện riêng tư thầm kín. Ngay đến việc quảng cáo Vinamilk cũng rất khiêm tốn, chừng mực… Thôi, xin anh cứ để yên cho những người bạn em yên ổn làm ăn đã, rồi thích viết thì viết sau”.
Dù đã chuẩn bị khá công phu, phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng về Mai Kiều Liên, nhưng nể lời Triệu Phong, thời điểm đó, tôi phải tạm ngừng viết. Dẫu vậy, suốt những năm qua, tôi vẫn cập nhật khá đầy đủ sự phát triển vững vàng của Vinamilk với những thành công ngày càng lớn của chị Mai Kiều Liên mà báo chí trong và ngoài nước đều đánh giá rất cao. Mấy năm gần đây, Vianamilk đã đầu tư trên 6.500 tỷ đồng xây dựng thêm các nhà máy sữa có trình độ tự động hóa ngang tầm thế giới. Với 13 nhà máy trên khắp đất nước công suất 1.200 triệu lít sữa/năm và 3 nhà máy ở nước ngoài, năm 2015 Vinamilk đã đạt doanh thu gần 2 tỷ USD và đang vươn tới 3 tỷ USD vào năm 2017. Với 22,8% cổ phần Nhà máy Mỉaka thuộc New Zealand; 100% cổ phần Nhà máy Drifwood - Hoa Kỳ; đầu tư 23 triệu USD, chiếm 51% cổ phần Nhà máy Angkor Mil- Campuchia là nhà máy sữa duy nhất ở nước này; Vinamilk đã nhanh chóng mở rộng thị trường khắp các châu lục, chiếm lĩnh cả những nới được coi là “thủ phủ”sữa thế giới. Kim ngạch xuất khẩu từ dưới 30 triệu USD đã tăng lên trên 250 triệu/năm, tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 24%.
Sở dĩ Vinamilk được xếp vào vị thế thứ 20/300 nhà máy sữa lớn của châu Á và được vinh danh đứng đầu 10 thương hiệu Việt Nam uy tín năm 2015 là nhờ không ngừng đổi mới công nghệ, đầu tư những nhà máy siêu hiện đại, phát triển vùng nguyên liệu quy mô rộng lớn, bền vững và minh bạch trong tài chính kinh doanh. Mai Kiều Liên đã đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, điều hành quản lý kinh tế - kỹ thuật tài hoa, năng động, cẩn trọng từ việc nhỏ đến việc lớn mà mỗi một sản phẩm mới ra đời, một đàn bò giống mới từ Úc, Mỹ, New Zealand được đưa về đều rất kỳ công, chứa đựng nhiều câu chuyện hấp dẫn, có thể làm thành phim truyện nhiều tập. Đọc thông tin Vinamilk vừa đưa 200 “nàng” bò sữa Organic từ Mỹ về Việt Nam bằng máy bay, tôi lại “nổi máu” muốn làm một phim tài liệu vì tôi hiểu giá trị cao cấp của loại sữa tươi Organic theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ USDA của Hoa Kỳ đòi hỏi sự chăm chút tỉ mẩn, công phu lắm lắm!
Theo thống kê sơ bộ, tổng đàn bò sữa của Vinamilk, kể cả của nông dân được giao giống đã lên đến 120.000 con, mỗi ngày cung cấp 750 tấn sữa chế biến thành 3 triệu ly sữa. Trong vài năm tới, với đà tăng trưởng tiêu thụ cao, đàn bò sữa sẽ nhanh chóng tăng lên 200.000 con. Cổ phiếu Vinamilk luôn đứng đầu sàn chứng khoán, có sức hấp dẫn còn hơn cả vàng. Không hiểu trên thế giới có doanh nghiệp nào chia cổ tức cho cổ đông lên đến 60% giá trị cổ phiếu như Vinamilk đang thực hiện không? Nhưng rõ ràng, chi đến 6.400 tỷ đồng, chiếm 82% lợi nhuận sau thuế năm 2015 cho các cổ đông quả là kỷ lục phi thường chưa từng thấy ở Việt Nam. Dự kiến năm 2016 cũng có thể chia cổ tức 50%. Nông dân nuôi bò cho Vinamilk được ưu tiên mua cổ phiếu giảm 30% so với nhân viên công ty, ai còn giữ cổ phiếu thì khỏi cần nuôi bò, vẫn sống giàu sang.
Vốn điều lệ khi mới cổ phần hóa của Vinamilk chỉ có 1.560 tỷ đồng, nhà nước chiếm 45,06%. Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển, với tầm vóc khoa học hiện đại, giàu bản sắc nhân văn của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mai Kiều Liên, Vinamilk đã có vốn 20.924 tỷ đồng, tổng giá trị vốn hóa lên đến 155.000 tỷ đồng với mức tăng trưởng doanh thu gấp 10 lần, bình quân hàng năm doanh số tăng 20%, được Tạp chí Forbes bình chọn là doanh nghiệp dẫn đầu Top 40 của Việt Nam với giá trị thương hiệu lên đến 1,52 tỷ USD và tổng tài sản trên 5 tỷ USD. Đúng là những con số biết nói, phi thường, phản chiếu chính xác nhất chất lượng của hơn 4.000 con người Vinamilk và chất lượng sản phẩm sữa của họ đã vững vàng vượt qua hai cuộc khủng hoảng tài kinh tế lớn của thế giới khi có biết bao doanh nghiệp đã bị phá sản và không ít quốc gia giàu có phải sa lầy trong nợ nần. Chị Mai Kiều Liên giải thích rất đơn giản: “Tập thể chúng tôi luôn nghiêm túc, tận tụy làm việc hết sức mình, cả về cường độ, tinh thần lẫn ý chí. Bất cứ làm việc gì cũng phải tính toán kỹ lưỡng, nỗ lực sáng tạo, không theo lối mòn, xu hướng đám đông. Có khi đi ngược xu thế vẫn quyết làm vì tin là đúng, tin vào hiệu quả cao… Triết lý của chúng tôi là không làm điều gì chỉ có lợi cho mình mà không có lợi cho người đồng hành. Trước hết là lợi ích cho người tiêu dùng,rồi lợi ích cho cổ đông rồi mới đến lợi ích của công ty và Nhà nước”.
IV.Giữa mùa hè năm nay, nhà văn Triệu Phong bay từ Sài Gòn ra trao cho tôi một tập tài liệu dày: “Anh là nhà văn viết xuất sắc về đề tài công nghiệp hóa,hiện đại hóa. Bây giờ thì anh có thể viết về Mai Kiều Liên được rồi. Cuối năm nay là kỷ niệm 40 năm bạn ấy gắn bó với ngành Sữa Việt Nam và cũng là kỷ niệm 40 năm trưởng thành của Vinamilk”.
Vậy là Mai Kiều Liên đã bước vào tuổi 63. Dù biết chị đã ngồi thêm vài ba năm nay ở ghế lãnh đạo Vinamilk do các cổ đông tha thiết đề nghị, tôi vẫn cảm thấy tiếc cho Vinamilk, cho đất nước vì sức khỏe chị còn rất tốt, năng lượng còn rất dồi dào, tri thức, kinh nghiệm đang độ chín, uy tín thế giới lại đang rất cao; cho dù chị đã chuẩn bị chu đáo cho những bước đi mới của Vinamilk và những người thay thế chị hoàn toàn xứng đáng…
Anh Phạm Thế Duyệt - nguyên Thường trực Ban Bí thư TW Đảng khóa VIII - cũng bày tỏ sự luyến tiếc khi hay tin Mai Kiều Liên đã đến tuổi nghỉ: “Tôi biết Mai Kiều Liên từ thời kỳ làm Chủ tịch Tổng liên đoàn, đi các tỉnh đều nghe anh em toàn ca ngợi chị tận tâm đổi đời cho bà con nông dân bằng phương thức nuôi bò sữa với các loại giống bò quý của các nước. Chị là người phụ nữ thông minh, đôn hậu, chân thực nhưng quyết liệt, sáng tạo. Tôi nhớ các lần họp Trung ương khóa VIII, chị đều có những lời phát biểu sâu sắc, giúp Trung ương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chị luôn đòi hỏi phải nhanh chóng xóa bỏ cơ chế xin-cho, đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy cao độ tính tự chủ, sáng tạo… Uy tín của chị với ngành sữa thế giới rất cao”.
Một nhà báo kinh tế lão thành nói với tôi: “Hiếm thấy ai có 40 năm thành đạt, không một một vấp ngã lớn, cứ bình yên vững bước, mặc cho thế giới khủng hoảng, bão giông”. Có thể thấy, sự ra đời của mỗi con người chịu ảnh hưởng của một hệ gen, cộng với lực tác động vũ trụ thực chất đã an bài cho họ những năng khiếu, những điều kiện để gắn bó với một nghề nào đó đều do quy luật tự nhiên. “Đức năng thắng số” chỉ giúp thoát được hiểm nguy, chứ không thay đổi được bộ não và sự nghiệp của con người. Mai Kiều Liên sinh ra là dành cho ngành sữa Việt Nam nên nếu theo tử vi mà xét, cung Quan Lộc không vượng bằng cung Tài Bạch. Với tư chất thông minh, quyết đoán nhanh, chị luôn tỉnh táo, biết tự giới hạn mình, chắc chắn trong mỗi bước đi, lại được hậu thuẫn của cha mẹ, chồng con, bạn bè, nên vẫn tiếp tục còn nhiều điều hay.
Tối 20/8/2016, Vinamilk đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba lần thứ hai |
V. Khi Chính phủ cho thoái hết vốn, các cổ đông Vinamilk được toàn quyền chọn người điều hành, Mai Kiều Liên dù đã cầm sổ hưu vẫn có cơ hội ở lại với Vinamilk. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố: “Những thứ gì doanh nghiệp tư nhân làm tốt thì doanh nghiệp nhà nước không làm nữa. Phải nghiêm trị bất cứ ai nhũng nhiễu, gây trở ngại cho sự phát triển đúng đắn của doanh nghiệp”. Ở Nhật Bản, trong sản xuất kinh doanh, người ta quý trọng sự uyên bác, dày dạn kinh nghiệm, nâng niu trí tuệ, uy tín của các tổng giám đốc cao tuổi. Ở Hoa Kỳ, Bộ trưởng nghỉ hưu mới ra làm tổng giám đốc hoặc ra tranh cử chức Tổng thống như bà Hillary Clinton. Nước ta đang mạnh dạn đổi mới thể chế để hội nhập toàn cầu, gia phập TPP, không nên lãng phí một tài năng lớn như Mai Kiều Liên.
VI. Mong sao Vinamilk vững vàng phát triển trường tồn cùng đất nước công nghiệp hóa hiện đại hóa, không sớm bị mai một như những doanh nghiệp từng oanh liệt một thời. Mục tiêu đưa doanh thu Vinamilk năm 2017 lên tròn 3 tỷ USD và hiên ngang đứng vào hàng ngũ 50 doanh nghiệp sữa lớn của thế giới đang đòi hỏi không chỉ nỗ lực cao độ của toàn thể cán bộ nhân viên công ty mà còn rất cần sự tác động mạnh mẽ của nhà nước, mà thoái vốn chỉ là một việc nhỏ, rất dễ dàng thực hiện một cách nhanh hơn.
Cuối tháng 4 mới đây, tại buổi đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đã thẳng thắn: “Vinamilk cũng như cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Nếu có môi trường tốt, cạnh tranh bình đẳng thì doanh nghiệp Việt Nam phát triển không kém doanh nghiệp trên thế giới”. |