Một vài phân khúc của khu vực doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nghèo nàn đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng
CôngThương - Chỉ rõ bệnh
Báo cáo này được xây dựng dựa trên khuôn khổ pháp lý và quy định hiện hành đến tháng 12/2012 và số liệu cùng kỳ. Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ WB và IMF, bên cạnh sự đóng góp tích cực của hệ thống tài chính vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua thì quá trình này cũng đã tích lũy nhiều bất ổn tiềm tàng. FSA đã chỉ rõ hệ thống tài chính Việt Nam bộc lộ nhiều dấu hiệu căng thẳng và tích tụ nhiều yếu tố dễ bị tổn thương, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, nguyên nhân là do các nhân tố thể chế, những yếu kém của khu vực doanh nghiệp, lĩnh vực bất động sản và tình trạng suy giảm chung ở các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, công tác quản lý và giám sát lại chưa theo kịp hệ thống phát triển tài chính.
Theo FSA, kết quả hoạt động của khu vực ngân hàng đã xấu đi trong những năm gần đây, cụ thể là tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) bình quân của các ngân hàng đã giảm từ 1,8% năm 2007 xuống 0,5% năm 2012. Báo cáo cũng nhận định, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại và đã bộc lộ những dấu hiệu khó khăn. Một vài phân khúc của khu vực doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nghèo nàn, gặp khó khăn về tài chính và ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng, khiến nợ xấu vào khoảng 12% trên tổng dư nợ ở thời điểm cuối năm 2012. Trong cùng giai đoạn đó, nhiều ngân hàng nhỏ gặp vấn đề về thanh khoản và khả năng thanh toán ở mức độ nghiêm trọng hơn, dẫn đến việc NHNN phải can thiệp. Tuy nhiên, FSA cũng khẳng định, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là một bước tiến đáng kể để giải quyết nợ xấu.
Chương trình FSAP giúp nhận diện các điểm mạnh, yếu của hệ thống tài chính Việt Nam cũng như đưa ra các khuyến nghị chính sách có thể được sử dụng để lồng ghép vào quá trình triển khai Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2011-2015, đồng thời hỗ trợ thiết kế các chương trình cải cách đồng bộ tiếp theo, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. |
Những khuyến nghị cụ thể
Trên cơ sở đánh giá thực trạng của hệ thống tài chính Việt Nam, FSA đã đưa ra chiến lược triển khai chương trình cải cách tài chính với các mục tiêu, biện pháp, cách thức xử lý phù hợp với định hướng của Chính phủ, đặc biệt với hệ thống ngân hàng. Các khuyến nghị được chia thành 3 nhóm, bao gồm: kế hoạch xử lý khối lượng lớn nợ xấu hiện nay, biện pháp bảo đảm các dòng tài chính mới lành mạnh và ngăn chặn tích thêm nợ xấu, cuối cùng là các bước đi chính sách được thiết kế để bảo vệ khu vực tài chính trong suốt quá trình cải cách dự kiến. Cụ thể hơn, trong ngắn hạn, FSA cho rằng, NHNN cần có chỉ thị mới về quản trị ngân hàng, trong đó bao gồm cả các yêu cầu chặt chẽ hơn về quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, NHNN phải tăng cường đánh giá và giám sát các nguyên tắc phân loại tài sản và trích lập dự phòng của các ngân hàng, bao gồm xác định giá trị tài sản thế chấp, bằng cách xây dựng hướng dẫn nội bộ.
Theo NHNN, nhiều khuyến nghị phù hợp của FSAP đã được cơ quan này lồng ghép đưa ngay vào thực hiện trong quá trình triển khai các đề án: xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, hay thành lập VAMC. Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Chính phủ và khuyến nghị của FSAP sẽ góp phần lành mạnh hóa về tài chính và hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam, giảm bớt số lượng ngân hàng thương mại nhỏ, yếu kém.