Hé lộ lý do Thủ tướng Ấn Độ bất ngờ ghé thăm Nga vào tuần tới
Tờ Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tới Moscow vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm này là đầu tiên ông Modi tới Liên Bang Nga, kể từ sau khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu. Đây cũng sẽ là chuyến thăm song phương đầu tiên của ông Modi kể từ khi ông đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong lần gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2022. (Nguồn ảnh: Reuters) |
Đặc biệt, chuyến thăm này đã phá vỡ “nguyên tắc” trước đó của vị Thủ tướng, khi ông chọn ghé thăm Nga thay vì thăm các nước láng giềng như Bhutan, Maldives và Sri Lanka, sau khi giành chiến thắng trong 2 cuộc bầu cử trước đó.
Chuyến thăm của ông Modi tới Nga cũng diễn ra hai tháng sau khi ông Putin tới Trung Quốc trong công tác nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của mình. Cách đây 2 tuần, ông Putin cũng có chuyến công du đến Triều Tiên và sau đó là Việt Nam.
Theo một số quan chức Ấn Độ giấu tên, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về một loạt vấn đề, mặc dù có khả năng hai bên sẽ không đưa ra quyết định mang tính đột phá cao. Các quan chức cũng cho biết, chương trình nghị sự sẽ bao gồm một thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước, cũng như cam kết về phát triển máy bay chiến đấu và hợp tác về năng lượng hạt nhân giữa hai quốc gia.
Chia sẻ với Bloomberg, một cựu đặc phái viên Ấn Độ tại Nga giấu tên cho biết, mối quan hệ của New Delhi với Moscow rất ổn định và bền chặt, mặc dù hợp tác về kinh tế và quốc phòng gần đây đã chậm lại. Vị quan chức này nhận xét, mối quan hệ giữa hai quốc gia luôn được thúc đẩy từ cấp cao nhất và các hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo có tầm quan trọng lớn với tương lai hai nước.
Thương mại Nga - Ấn phát triển bất chấp cấm vận
Được biết, Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới, và là quốc gia nhập khẩu lớn dầu và vũ khí của Nga kể từ chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu. Ấn Độ cũng đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, và cũng đã giảm sử dụng đồng đô la Mỹ để tiếp tục giao dịch với quốc gia này.
Việc Nga cung cấp dầu thô cho Ấn Độ đang là đòn bẩy duy trì mối quan hệ giữa hai nước, mặc dù hai quốc gia không còn thân thiết như thời Xô Viết. Khi Nga đưa ra mức giảm giá dầu sâu hơn trong bối cảnh phương Tây tăng cường cấm vận, Ấn Độ đã mua dầu thô của Nga nhiều gấp 20 lần so với năm 2021, vượt quá 2 triệu thùng mỗi ngày. Theo một nghiên cứu của cơ quan xếp hạng ICRA công bố vào tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã tiết kiệm được 13 tỷ USD nhờ nhập khẩu dầu thô rẻ hơn từ Nga so với 23 tháng trước đó.
Ấn Độ hiện đang mua dầu của Nga bằng đồng dirham của UAE, và hai nước đang tìm kiếm giải pháp thanh toán cho vũ khí và các hàng hóa khác. Điều này đã khiến các công ty Nga tích lũy số tiền trị giá lên tới 8 tỷ rupee (tương đương 24 nghìn tỷ đồng) trong tài khoản ở Ấn Độ. Theo thỏa thuận, Nga đã sử dụng số tiền này để đầu tư vào các doanh nghiệp Ấn Độ và mua thêm hàng hóa điện tử, dược phẩm, dụng cụ nông nghiệp và dệt may từ quốc gia nyaf.
Cuộc gặp mang ý nghĩa lớn về mặt chính trị
Cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ là một thắng lợi ngoại giao đối với Tổng thống Putin, trong bối cảnh nước Nga đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây. Ông Putin cũng gặp rắc rối trong việc công tác ra nước ngoài, do ông đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã. Năm ngoái, ông Putin đã không thể tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nhóm G20 do Ấn Độ tổ chức và hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS tổ chức tại Nam Phi.
Nhận xét về ý nghĩa của chuyến thăm, ông Aleksei Zakharov, một chuyên gia về Ấn Độ có trụ sở tại Moscow, cho biết: “Chuyến thăm của lãnh đạo một quốc gia như Ấn Độ chứng tỏ rằng Nga không phải đối mặt với sự cô lập quốc tế. Đối với Moscow, điều này rất quan trọng”.
Chuyến thăm của ông Modi cũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang ở mức thấp kể từ xung đột biên giới giữa hai quốc gia này vào năm 2020. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng chuyến thăm này phản ánh mối lo ngại của New Delhi rằng Moscow đang ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh.