Thứ năm 19/12/2024 00:00

“Hạt ngọc nâu” trên đỉnh núi mù sương

Là địa phương có thế mạnh về dòng cà phê đặc sản Arabica, Lâm Đồng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao giá trị cho “hạt ngọc nâu” địa phương.

Hạt quý trên đỉnh núi

Đà Lạt luôn được mệnh danh là thành phố của sương mù. Không nơi đâu trên đất nước hình chữ S này, sương bạt ngàn như thế, quanh năm như thế, triền miên như thế. Sáng sớm và có khi cả chiều tối, sương giăng khắp chốn, tạo cho cảnh vật một màn hư ảo.

Sương Đà Lạt không buốt giá, không rét mướt như sương Sapa, sương Đà Lạt hoà trong nắng sớm. Vào những tinh mơ, sương Đà Lạt nhẹ nhàng , bềnh bồng như một tấm khăn choàng lớn quấn quanh đỉnh Lang Biang còn đang ngái ngủ. Sương Đà Lạt êm ái, mơ hồ, giống như làn khói mờ mịt lan tỏa trên mặt Hồ Xuân Hương.

Cũng trong làn sương đó, trong không khí lành lạnh, người lữ khách với ly cà phê chầm chậm rơi, bỗng thơm lừng khắp căn quán gỗ lưng chừng đồi. Hương thơm đậm đà quyến rũ, lẩn quất, không tan đi. Sương đã khiến du khách không chỉ uống thứ cà phê đen sánh mà còn như uống cả mùi hương, uống cả cảm xúc tích tụ cả đất trời trong ngần và bình yên của buổi sáng. Từ màn sương đặc trưng ấy cũng cho ra đời những hạt cà phê được mệnh danh là “hạt ngọc nâu” của vùng đất này.

Cà phê được mệnh danh là “hạt ngọc nâu” của vùng đất Lâm Đồng (Ảnh: TTXVN)

Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là 1 trong 2 tỉnh sản xuất và chế biến cà phê lớn của cả nước, đặc biệt là Tây Nguyên với 172.400 ha cà phê. Do thực hiện chương trình tái canh cà phê sớm nên hiện nay dù Lâm Đồng có diện tích lớn thứ 2 song sản lượng cà phê của Lâm Đồng đứng đầu cả nước với 532.000 tấn.

Đặc biệt, dòng cà phê Arabica ở một số các vùng trồng cà phê lớn, đặc biệt là ở vùng Cầu Đất - Lâm Đồng - với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp - có chất lượng rất cao, thậm chí có dòng còn sánh ngang với chất lượng của loại cà phê Arabica ngon nhất trên thế giới. Trong đó có trên 12.000 ha cà phê catimor, là 1 trong những sản phẩm cà phê chất lượng cao, được Starbust đặt mua.

Arabica quyến rũ nhờ mùi hương thanh tao của hoa trái, mật ong, hoặc của bánh mỳ nướng... Uống cà phê Arabica có thể cảm nhận vị đắng nhẹ xen lẫn chút chua thanh nơi đầu lưỡi mà không gợn, nước cà phê nâu nhạt ánh lên màu hổ phách.

Hiện nay, việc cung ứng, sản xuất và chế biến cà phê tại Lâm Đồng được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn 12 huyện thành phố, trong đó khoảng 25% là đồng bào dân tộc thực hiện việc sản xuất và cung ứng cà phê cho thị trường. Cây cà phê đã góp phần cho việc thu nhập cũng như nâng cao đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện chủ trương nhất quán của địa phương nhiều nhiệm kỳ qua.

Bà Cao Thị Thanh thông tin thêm, hiện Lâm Đồng đã phát triển trên 20 chuỗi liên kết, 12 chuỗi sản xuất cà phê chất lượng cao. Toàn tỉnh cũng có 26 doanh nghiệp đang hoạt động với 250 cở sở nhỏ lẻ, 13 đơn vị xuất khẩu trực tiếp.

Cà phê Lâm Đồng chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài. Ở thị trường trong nước, dù lượng tiêu thụ ít hơn song điều quan trọng là cà phê Đà Lạt nội địa đều là các thương hiệu được nhiều người biết đến, đặc biệt là thương hiệu Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành với 3 nhãn hiệu là Arabica Lang Biang, Arabica Cầu Đất và cà phê Di Linh.

Là nơi có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh Lâm Đồng, huyện Lạc Dương hiện là một trong những vùng trồng cà phê trọng điểm của địa phương. Hiện 67% dân số của huyện này là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người K’Ho. Tự hào là một trong những địa phương hiếm hoi có thể trồng Arabica (loại cà phê có giá cao bậc nhất thế giới) nên huyện chú trọng mô hình thâm canh loại cây này.

Các nông hộ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến như bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản... Từ đó tăng năng suất, chất lượng cây cà phê trên địa bàn.

Đáng chú ý, từ năm 2018, một số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho ở thôn 1B, xã Đinh Trang Hòa, huyện Lạc Dương đã thống nhất cùng nhau canh tác, sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ trên diện tích khoảng 5 ha. Từ quy trình trồng, chăm sóc đến chế biến, họ muốn xây dựng một vùng cà phê sạch, nâng cao giá trị cho cây này. Đến ngày 10/3/2022, tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee tại thôn 1B chính thức thành lập, gồm 7 thành viên.

Sau gần 5 năm thực hiện quy trình trồng, chăm sóc và sản xuất theo hướng hữu cơ, Oh Mi Kơ ho coffee (còn gọi là "Những người anh em K’Ho làm cà phê") đã tạo dựng được thương hiệu và sản phẩm cà phê sạch, ngon.

Đơn cử, Tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee ban đầu được thành lập vào năm 2018 với 7 thành viên là chị em người K’Ho. Sau khi được Văn phòng Caritas Đà Lạt (Tổ chức Phi Chính phủ) giới thiệu, tạo điều kiện cho chị em trong nhóm được đi tham quan các mô hình sản xuất cà phê hiệu quả ở TP Bảo Lộc và những vùng lân cận, các thành viên trong nhóm đã trao đổi, bàn bạc, tìm giải pháp, định hướng sản xuất mới.

Đầu tiên, nhóm áp dụng, thử nghiệm việc cải tạo đất với quy mô diện tích nhỏ bằng cách giảm số lượng phân bón vô cơ, tăng cường phân ủ Compost được ủ từ lá cây dã quỳ, lá chuối, rơm rạ, trấu cà phê, phân chuồng… để bón cho cây. Sau vài năm thực hiện, đến nay sản phẩm cà phê hữu cơ, cà phê sạch của nhóm đã chính thức đưa ra thị trường.

Cà phê sạch là đặc sản của vùng đất Lâm Đồng

Đưa cà phê vươn xa

Cùng với việc có được nguồn cà phê chất lượng, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cà phê. Bà Cao Thị Thanh đánh giá: “Các Bộ, ngành và Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hỗ trợ nông dân bà con Lâm Đồng nắm bắt thông tin, cập nhật thị trường để thúc đẩy xuất khẩu. Điều này đã giúp sản phẩm cà phê của địa phương đến với nhiều thị trường trên thế giới”.

Cà phê Lâm Đồng được ưa chuộng cả trong nước và xuất khẩu

Tuy nhiên, bà Thanh chỉ rõ, Lâm Đồng vẫn có điểm khó khăn là không có cảng biển nên chi phí logistics tăng cao. Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế khiến các nước thu hẹp thị trường xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ giảm sút.

“Một khó khăn nữa là cà phê Việt Nam dù là “con hổ” nhưng chưa có “tiếng gầm”. Chúng tôi đã nỗ lực thúc đẩy chế biến tinh nhưng thói quen văn hoá và tiêu dùng cà phê chế biến của Việt Nam còn hạn chế nên còn phụ thuộc xuất khẩu thô” – bà Cao Thị Thanh chỉ rõ.

Bên cạnh đó, hiện nay các tập đoàn lớn mong muốn mua sản lượng cà phê ổn định chất lượng và đòi hỏi sản phẩm cà phê ngày càng cao hơn. Đơn cử như họ yêu cầu cà phê không được sản xuất tại khu vực đất lâm nghiệp. Trong khi đồng bào dân tộc còn di canh di cư hoặc trồng cà phê gắn với rừng. Đây là khó khăn cản trở xuất khẩu

Để thúc đẩy xuất khẩu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, định hướng cà phê Lâm Đồng tham gia sâu hơn nữa vào thị trường trong nước, thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, nông sản hữu cơ, có sự xuất hiện nhiều hơn nữa trên các chuỗi bán lẻ.

Đồng thời, tỉnh cũng tận dụng các hiệp định FTA để nắm bắt cơ hội xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới, đặc biệt là sử dụng giải pháp thương mại điện tử linh hoạt.

Cà phê Việt Nam có triển vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 6 tỷ USD. Để đóng góp vào mục tiêu này, bà Thanh cho biết, Lâm Đồng định hướng người nông dân chuyển sang giống chất lượng cao, khuyến khích họ liên kết lẫn nhau, tham gia vào các tổ hợp tác tạo vùng nguyên liệu chất lượng và đồng đều. Thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, cà phê Lâm Đồng có thể vươn xa.

Đối với cà phê hòa tan hoặc chế biến sâu, theo bà Thanh, thị hiếu các loại này đã thay đổi, doanh nghiệp chế biến cần nhạy bén hơn với các xu hướng mới để chắc chân ở thị trường trong nước trước khi hướng ra xuất khẩu. Tỷ lệ hiện tại tỉnh khuyến khích là tiêu thụ 5-10% sản lượng cà phê trong nước.

Ngoài ra, Lâm Đồng cũng chú trọng đến việc trang bị cho nông dân khả năng đảm bảo vùng tưới tiêu và cơ khí hóa, tự động hóa.

Phát triển cây cà phê gắn với du lịch

Toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến 2025, diện tích cà phê toàn tỉnh giữ ổn định ở mức 170.000 ha. Tỉnh chủ trương tập trung cho việc phát triển và nâng cao chất lượng cà phê, tập trung vào các sản phẩm cà phê đặc sản với mục tiêu sản lượng đạt 560.000 tấn.

"Lâm Đồng có cà phê Arabica nổi tiếng, tỉnh đang lựa chọn khu vực chân núi Langbiang để xây dựng thành khu chế biến cà phê chất lượng cao kết hợp du lịch canh nông, gắn với thương hiệu cà phê Arabica Langbiang hoặc Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành. Qua đó, tạo được sinh kế cho đồng bào, hạn chế phá rừng đốt nương làm rẫy, giúp nâng cao thu nhập, xoá bỏ tình trạng du canh du cư, giúp tạo thêm sinh kế, hạn chế tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy” – bà Cao Thị Thanh nhấn mạnh.

Song song với đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng định hướng tổ chức xây dựng mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, bên cạnh dòng Arabica đặc sản, sẽ triển khai 5 vùng sản xuất cà phê Robusta công nghệ cao với quy mô gần 2 ngàn ha. Trong đó bao gồm, 470 ha tại xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), 370 ha tại xã Đinh Lạc (huyện Di Linh), 900 ha tại các huyện Lâm Hà, Lạc Dương và huyện Bảo Lâm.

Lâm Đồng là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp. Hiện loại hình du lịch này đã phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên tạo ra những sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập và quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: cà phê Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2024

Quảng Ninh: Hạ Long tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị cho bầu cử

Vĩnh Long: Sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hoá tăng trưởng khá

Vĩnh Phúc chủ động đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao

Ngành công thương Hà Nội: hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng trái cây an toàn

Hải Dương tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đón 'sóng' đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu

Quảng Ninh nỗ lực vượt khó, tạo đà bứt phá kinh tế

Hải Dương: Chuyển biến tích cực trong công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Quảng Ninh tăng cường giao thương, kết nối với thị trường Trung Quốc