Hát Kiều (Quảng Bình) được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Theo hồ sơ di sản, hát Kiều là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn bó với đời sống tinh thần của người dân các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình.
Hát Kiều bao gồm hát, diễn xuất và làm trò… tập trung ở các xã: Quảng Minh, Quảng Thủy (TX. Ba Đồn), Quảng Kim, Quảng Phương (Quảng Trạch) và Châu Hóa (Tuyên Hóa).
Đại diện các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và TX. Ba Đồn, đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều. Ảnh baoquangbinh |
Với quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị /chu-de/di-san-van-hoa-phi-vat-the.topic trên địa bàn, trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp tham mưu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Hát Kiều trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.
Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật được hình thành, như ngâm Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều… trong đó, nghệ thuật hát Kiều thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn cả.
Đây là loại hình trình diễn dân gian, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò. Ngoài các nhân vật chính trong truyện Kiều, người dân Quảng Bình đã sáng tạo thêm một số nhân vật mang tính dẫn chuyện như vai lính xa, thằng bán tơ, vai hề… cùng với đó là không gian và thời gian được dùng lối ước lệ, nhằm tạo sự chuyển biến trong “hoạt động sống” của nhân vật.
Câu lạc bộ hát Kiều xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch trình diễn một trích đoạn hát Kiều. Ảnh: TN |
Hát Kiều xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Theo một số nghệ nhân tại các câu lạc bộ Kiều cổ, khi lớn lên họ đã thấy những thế hệ cha ông mình trình diễn hát Kiều mỗi khi làng có hội hay các dịp lễ quan trọng. Không gian liên quan hát Kiều là ngôi đình làng, nhà văn hoá, các tư gia, ruộng đồng và toàn bộ không gian quanh đó.
Trải qua hàng trăm năm, hát Kiều là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hóa tinh thần, là nơi thể hiện những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian, mang tính cố kết cộng đồng rất cao.
Giá trị lịch sử của hát Kiều thể hiện qua những màn diễn, tích trò, câu hát, làn điệu. Qua nhiều thăng trầm và biến thiên của lịch sử, những câu hát và diễn xuất Kiều vẫn có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng.
Thông qua hát Kiều, chúng ta có thể cảm nhận được, hiểu được những nét đẹp trong phong tục, tập quán, lối ứng xử của người người dân trong cuộc sống. Hát Kiều còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, được biểu hiện qua các màn diễn, làn điệu và các nhạc cụ dân tộc.
Hát Kiều là sinh hoạt văn hóa không thể tách rời trong đời sống của người dân, là dịp để người dân thể hiện niềm đam mê với những vở diễn hát Kiều và quên đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống thường nhật, họ như được tiếp thêm sức mạnh và đắm mình trong không gian nghệ thuật của hát Kiều, để hướng đến những giá trị nhân văn, từ đó có thêm niềm tin vào tương lai, lạc quan trong cuộc sống, để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước….
Để phát huy được giá trị di sản, các địa phương cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể hát Kiều, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản. Mỗi người dân vừa là người tham gia bảo vệ, vừa là người thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch…