Thứ năm 19/12/2024 21:11

Hàng loạt công trình đền bù giá '0 đồng' tại xã Nam Sơn (Hà Nội): Ai chịu trách nhiệm?

Do sổ đỏ cấp cho người dân xã Nam Sơn không đúng quy định nên nhiều diện tích đất, nhà ở, công trình của người dân bị tính giá đền bù 0 đồng.

Sổ đỏ bị cấp sai, ai chịu trách nhiệm?

Vừa qua, Báo Công Thương đăng tải bài viết với tiêu đề “Hà Nội: Người dân 'khóc ròng' vì sổ đỏ bị thu hồi, mức đền bù chưa thỏa đáng”. Bài viết phản ánh việc người dân xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bức xúc, không đồng tình với Dự thảo Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m từ Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Theo các hộ dân tại xóm 20, kể từ khi thành phố Hà Nội có chủ trương di dời người dân khỏi vùng ảnh hưởng quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, các hộ dân tại đây đã rất vui mừng. Bởi trên thực tế, hơn 20 năm nay, các hộ dân hàng ngày đều phải sống chung với tình trạng ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác Nam Sơn. Mong muốn của các hộ là được di dời càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, theo Phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ tái định cư do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lập, phần diện tích đất ở tại nông thôn của nhiều hộ dân xóm 20 Xuân Bảng, xã Nam Sơn bị coi là diện tích đất vườn, ao hoặc đất trồng cây lâu năm không cùng thửa đất ở. Do đó, phần diện tích đất ở này chỉ được bồi thường ở mức 78.000 đồng/m2. Người dân cho rằng mức bồi thường này là quá ít, không có đất tái định cư nên gia đình họ chưa thể di dời.

Dù nằm sát Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn nhưng các hộ dân tại xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn chưa thể di dời vì cho rằng phương án bồi thường chưa thoả đáng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi ban hành Phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, người dân tại xóm 20, thôn Xuân Bảng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào các năm từ 2015 - 2017, trong đó có cả phần diện tích đất ở, đất ao vườn và đất trồng cây lâu năm.

Tuy nhiên, đến năm 2021, UBND huyện Sóc Sơn lại ban hành nhiều quyết định để thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ dân tại xóm 20, thôn Xuân Bảng với lý do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ này không đúng quy định của pháp luật.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho một hộ dân thuộc xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn ghi rõ có diện tích đất ở.

Điều đáng nói ở đây, trước khi ban hành nhiều quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ dân tại xóm 20 Xuân Bảng, ngày 29/10/2020, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ra Văn bản số 508 thông báo kết luận của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác tại cuộc họp xử lý, khắc phục các tồn tại hạn chế, đảm bảo công tác vận hành cho Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Thông báo nêu rõ nội dung: "Trường hợp các hộ dân vẫn có kiến nghị, đề nghị được bồi thường theo đúng diện tích đất ở được ghi trên giấy chứng nhận, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt phương án theo giấy chứng nhận, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý các sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan".

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Sóc Sơn lại không thực hiện theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nộilà phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân theo giấy chứng nhận, mà tiếp tục ban hành các quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân xóm 20 Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.

Câu hỏi đặt ra là, đối với việc cấp sai sổ đỏ cho người dân xóm 20, thôn Xuân Bảng, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm? UBND huyện Sóc Sơn đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xác minh, xử lý sai phạm của tổ chức, cá nhân đã cấp sai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở xóm 20, thôn Xuân Bảng hay chưa?

Việc cấp sai sổ đỏ cho người dân dẫn tới trong Dự thảo Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phần đất ở của người dân chỉ được bồi thường giá 0 đồng liệu có đúng quy định pháp luật?

UBND thành phố Hà Nội cần vào cuộc kiểm tra

Liên quan tới phản ánh của người dân xóm 20, thôn Xuân Bảng, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cho biết: Dự thảo phương án chi tiết bồi thường được lập dựa trên cơ sở là Quyết định 3232 ngày 9/8/1999 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn.

Trong đó, Điều 2.2 của Quyết định nêu: "Các hộ có nhà ở nằm trong phạm vi 100m liền kề các ô chôn lấp phế thải phải di chuyển và được hưởng các chính sách như tiếp tục quản lý, sử dụng đất để trồng cây lâu năm, hoặc sản xuất nông lâm nghiệp; được đền bù thiệt hại tài sản trên đất theo quy định, không đền bù thiệt hại về đất. Đồng thời được hỗ trợ ổn định nơi ở không quá 8 triệu đồng/hộ; được hỗ trợ ảnh hưởng môi trường và khắc phục khó khăn trong canh tác 5.100 đồng/m2".

Chính vì vậy, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cho rằng, theo quyết định này, những hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã nhận hỗ trợ 8 triệu đồng; hoặc nhận bằng đất (trường hợp không nhận 8 triệu đồng), thì toàn bộ đất ở của người dân được coi là đất trồng cây lâu năm.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh ARC (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, theo như câu trả lời của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, căn cứ để lập Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân xóm 20 Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn là Quyết định 3232 ngày 9/8/1999 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn.

Luật sư Hà cho rằng, quy trình thu hồi đất để phục vụ các dự án là phải thực hiện bồi thường về đất cho người dân. Ngoài việc bồi thường, người dân được hưởng các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ về độc hại, hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tái định cư. Quyết định 3232 mới chỉ bồi thường cho người dân tài sản trên đất theo quy định; chưa thực hiện bồi thường thiệt hại về đất.

"Do vậy, câu trả lời "những hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng môi trường Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã nhận hỗ trợ 8 triệu đồng; hoặc nhận bằng đất (trường hợp không nhận 8 triệu đồng), thì toàn bộ đất ở của người dân được coi là đất trồng cây lâu năm" là không thỏa đáng, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.

Bồi thường thiệt hại về đất, bồi thường về tài sản là trách nhiệm của Nhà nước phải thực hiện. Thu hồi loại đất nào phải bồi thường tương ứng với loại đất đó; nếu như quỹ đất hết thì phải bồi thường bằng tiền.

Ngoài ra còn có tiền hỗ trợ thêm cho người dân sau quá trình bồi thường để họ ổn định cuộc sống. 8 triệu đồng chỉ là tiền hỗ trợ nơi ở, để người dân ổn định cuộc sống, không phải tiền bồi thường", luật sư Hà cho hay.

Ông Nguyễn Như Oanh cho biết, dù nhiều gia đình tại xóm 20 mong muốn được di dời từng ngày, tuy nhiên do phương án bồi thường không thoả đáng, người dân không có đất tái định cư nên những gia đình này chưa thể di chuyển.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, tại thời điểm Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lập Dự thảo Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (năm 2023), Luật Đất đai 2013 đang còn hiệu lực.

Khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013 quy định rất rõ về điều kiện được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng:

"Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuế đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp". Như vậy, nếu chiểu theo Điều 75 Luật Đất đai 2013, người dân hoàn toàn có quyền được bồi thường về đất.

Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi của người dân xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, UBND thành phố Hà Nội, Thanh tra thành phố Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) trong quá trình cấp và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đồng thời, có phương án bồi thường thỏa đáng, chính xác, tránh gây bức xúc trong nhân dân.

Xã đề xuất cấp đất tái định cư cho dân nhưng chưa được chấp thuận

Để có thông tin khách quan, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ tới UBND xã Nam Sơn. Cán bộ địa chính của xã này là ông Lê Anh Hùng giải thích, theo Quyết định số 3232/QĐ-UB ngày 9/8/1999 của UBND TP. Hà Nội về phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn thì một số hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng bán kính 100m liền kề đã nhận hỗ trợ không quá 8 triệu đồng/hộ để ổn định nơi ở mới.

Đồng thời, được tiếp tục quản lý, sử dụng đất nhưng chỉ được trồng cây lâu năm hoặc sản xuất nông, lâm nghiệp và nhận thêm 5.100 đồng/m2 tiền hỗ trợ canh tác.

“Khi thực hiện Quyết định 3232/QĐ-UB các hộ dân đã được hỗ trợ về đất ở, hỗ trợ tự lo chỗ ở ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường. Vì Quyết định 3232/QĐ-UB là chưa thu hồi về đất, chỉ hỗ trợ và đăng ký di chuyển còn đất còn lại của hộ gia đình cá nhân vẫn được sử dụng vào mục đích là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, hoặc đất làm lâm nghiệp.

Vì vậy, khi lập phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND xã căn cứ trên Văn bản số 481/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tại cuộc họp giao ban lãnh đạo huyện với nội dung: Trường hợp diện tích đất ở đã bồi thường, thì xác nhận là đất vườn không cùng thửa đất ở, nên không được đền bù lần thứ 2 nữa mà chỉ được hỗ trợ, còn phần diện tích khác nằm cùng thửa đất đó thì được đền bù.

Về mong muốn được tái định cư của bà con, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Sóc Sơn để huyện báo cáo với UBND TP. Hà Nội xem xét cấp đất cho mỗi hộ để tái định cư, nhưng đến giờ chưa được chấp thuận”, ông Lê Anh Hùng cho hay.

Tại buổi làm việc, phóng viên đặt câu hỏi về trường hợp sổ đỏ của người dân bị cấp sai quy định dẫn tới việc người dân bị mất quyền lợi khi thực hiện phương án đền bù, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Anh Hùng cho biết “ai sai sẽ chịu trách nhiệm” và “việc cấp sổ đỏ, thu hồi sổ đỏ thuộc thẩm quyền của huyện, xã không có thẩm quyền này”.

Phong Lâm
Bài viết cùng chủ đề: quản lý đất đai

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam

Hà Nội: Nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người tử vong có 2 tiền án

Đắk Lắk: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế

Lào Cai: Công khai thông tin 7 doanh nghiệp, hợp tác xã nợ thuế trên địa bàn huyện Bắc Hà

Quảng Bình: Khởi tố 7 bị can hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 70 kg pháo hoa nổ lậu

Thanh Hóa: Bắt 5 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ liên tỉnh

Thanh Hóa: Kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Thạch Thành

Lào Cai: Tạm hoãn xuất cảnh 3 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế

Nghệ An: Phá đường dây mua bán trái phép hơn 500 tài khoản ngân hàng để lừa đảo và rửa tiền

Vĩnh Long: Công ty Cổ phần cảng Bình Minh nợ thuế hơn 36 tỷ đồng

Đồng Tháp: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn Công ty TNHH Nguyễn Vang do nợ thuế hơn 9,6 tỷ đồng

Khởi tố đối tượng khai thác đất trái phép tại Hoà Bình

Thanh Hóa: Cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa

Hà Tĩnh: Ngừng sử dụng hoá đơn 3 doanh nghiệp nợ thuế tiền tỷ

Bạc Liêu: Tập đoàn Hoàng Phát bị cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn

Hải quan TP. Cần Thơ công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế

TP. Hồ Chí Minh: Sở Kế hoạch và Đầu tư ‘treo’ đơn thư kiến nghị hơn 8 tháng

Nghệ An: Ngừng sử dụng hóa đơn Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 410 do nợ thuế hơn 4,2 tỷ đồng

Phạt Tiktoker Dưỡng Dướng Dường sau phản ánh của Báo Công Thương